Ngoại trưởng Sebastian Kurz đêm 15-10 đã tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử toàn quốc. Chỉ mới 31 tuổi, ông Kurz một khi nhậm chức sẽ chính thức trở thành lãnh đạo chính phủ có tuổi đời trẻ nhất tại châu Âu và thế giới, theo hãng tin AP.
Tuổi trẻ tài cao
Lãnh đạo đảng Nhân dân (OVP) có trường phái trung hữu của Áo - Ngoại trưởng Sebastian Kurz vào đêm 15-10 đã tuyên bố chiến thắng bầu cử toàn quốc. Ở tuổi 31, ông Kurz sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới, thế chỗ cô Vanessa D’Ambrosio (28 tuổi) chấm dứt nhiệm kỳ đồng lãnh đạo luân phiên của San Marino vào tháng 10 này. Ngoại trưởng Áo trẻ hơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hai tuổi và thua tám tuổi so với ông Emmanuel Macron - nhà lãnh đạo trẻ nhất nước Pháp kể từ sau thời Napoleon, theo Reuters.
Sebastian Kurz là một người con của thủ đô Vienna hoa lệ. Ông tốt nghiệp ngành luật tại ĐH Vienna và cũng đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Áo trước khi nhập học. Kurz được bổ nhiệm làm ngoại trưởng vào năm 2013 khi mới 27 tuổi, chỉ gần hai năm sau khi tốt nghiệp và trở thành ngoại trưởng trẻ tuổi nhất của châu Âu. Ngoại trưởng Kurz ghi dấu ấn trước truyền thông quốc tế lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2014 khi ông mới 28 tuổi. Khác với những bài phát biểu dài dòng và mang tính thủ tục, đại diện đến từ Áo gây chú ý cho cả hội trường khi ông lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của Hồi giáo cực đoan. Hãng tin Reuters sau đó mô tả tiếng nói nổi bật của Áo trong hội nghị là điều “hiếm thấy trong cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo thế giới”.
Vào đầu năm 2016, Sebastian Kurz đã thương thảo được với một vài quốc gia Đông Âu cho phép đóng cửa tuyến đường người tị nạn đi qua khu vực Balkan. Ngay sau chiến tích này của Kurz trên chính trường quốc tế, số lượng người tị nạn đổ vào nước Áo giảm mạnh khiến người dân vô cùng hài lòng, theo USA Today. Khi được chỉ định làm lãnh đạo của OVP, Kurz cũng được đảng này trao cho quyền hành lớn “chưa từng có tiền lệ” và biến chiến dịch tranh cử của đảng thành một “phong trào chính trị của riêng mình”, theo tờ The Sun.
Liên tiếp những bước nhảy vọt trên chính trường đã giúp Sebastian Kurz được gọi bằng nhiều biệt danh mỹ miều tại quê nhà là “Wunderwuzzi” (Thần đồng), “Basti Fantasti” (Điều kỳ diệu), “Messiah” (Đấng cứu thế). Tờ Politico từng gọi ông là một trong những người châu Âu có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, tức ngang hàng những “người khổng lồ” chính trị như Angela Merkel hay Emmanuel Macron. Trước thềm cuộc bỏ phiếu, nhà báo Christa Zöchling của tờ Profil (Áo) nhận định chưa từng có chính khách nào tại nước này nổi tiếng như Kurz kể từ sau cố lãnh đạo phe cực hữu Jorg Haider. Tại mọi sự kiện, Kurz - trung thành với phong cách áo vest khoác ngoài sơ mi trắng không cravat và mái tóc nâu chải ngược bóng mượt - luôn được vây quanh bởi đông đảo người hâm mộ. Các buổi chụp ảnh với cử tri của chính trị gia điển trai này không bao giờ dưới hai tiếng đồng hồ, theo Local (Pháp).
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz được mệnh danh là “thần đồng” trên chính trường. Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Sebastian Kurz và OVP vỡ òa trước chiến thắng lịch sử.
OVP chỉ đánh bại được SPO duy nhất hai kỳ bầu cử từ sau Thế chiến thứ hai. Ảnh: AFP
Sức ảnh hưởng của Kurz lên đảng OVP là vô cùng lớn. Các cuộc thăm dò và dự đoán của giới phân tích từ trước đó đều nhận định Kurz là người dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng. Ông chỉ mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng vào tháng 5-2017, khi OVP vẫn đang bị các đối thủ đẩy xuống vị trí thứ ba trong các cuộc khảo sát tín nhiệm. Cuối cùng, Kurz vẫn đưa đảng này vượt qua các đối thủ sừng sỏ để giành thắng lợi cuối cùng.
Với quyết tâm tái định vị OVP thoát khỏi chiếc bóng trung hữu, Kurz đã lèo lái đảng mình nghiêng nhiều hơn về phe cánh hữu. Ông tuyên bố sẽ thay đổi mạnh mẽ chính trường Áo, hứa chấm dứt truyền thống chính phủ liên minh giữa OVP và đảng Xã hội Dân chủ (SPO) trung tả nhiều thập niên qua, theo Reuters. Hiện chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Christian Kern cũng là một chính phủ liên minh giữa OVP và SPO.
Nhà phân tích chính trị người Áo Thomas Hofer đánh giá chính sách không ủng hộ tiếp nhận người tị nạn của Sebastian Kurz là “thông minh”. Công chúng Áo không mấy mặn mà với việc đón nhận người nước ngoài đến cư trú ở quốc gia của mình, đồng thời lo ngại những nguy cơ tiềm ẩn về khủng bố sau khi đất nước 8,7 triệu dân vào năm 2015 tiếp nhận gần 90.000 người tị nạn (đa số đến từ vùng chiến sự Syria). Trong suốt quá trình vận động bầu cử, chính trị gia 31 tuổi đã liên tiếp hứa hẹn thắt chặt kiểm soát phúc lợi đối với người nhập cư tại Áo, đồng thời đưa ra điều kiện tiên quyết là người nhập cư phải học tiếng Đức và tiếp nhận các giá trị văn hóa của nước Áo. Ngoại trưởng trẻ tuổi cũng ủng hộ luật cấm đeo burqa (khăn trùm mặt của phụ nữ Hồi giáo) tại các địa điểm công cộng và hứa đóng cửa các trường mẫu giáo Hồi giáo. Ông cũng không quên nhắc nhở các cử tri về lập trường chống mở cửa biên giới của ông trong năm 2015, khi cuộc khủng hoảng người tị nạn bước vào giai đoạn nóng nhất. Cũng giống các đảng phái khác, Sebastian Kurz cũng không quên hứa hẹn mạnh tay cắt giảm quan liêu trong bộ máy chính phủ Áo.
Tuy nhiên, cũng có không ít người lo ngại trước quyết định tiến gần đến cực hữu của Kurz và đảng OVP. Theo tờ The Guardian, trong cuộc bầu cử toàn quốc lần này, ông Kurz đã sử dụng gần như y hệt chiêu bài chống người nhập cư của đảng Tự do (FPO) bị chỉ trích là cực đoan, điểm khác biệt chỉ là ngôn từ thể hiện. Chính trị gia trẻ tuổi còn gọi người Hồi giáo tại nước này là một “xã hội song song” với xã hội Áo. Ông đồng thời kêu gọi cử tri ủng hộ lập trường “đặt nước Áo trước tiên” hay “đưa nước Áo trở lại với đỉnh cao” - những khẩu hiệu biệt lập chủ nghĩa không quá khác biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khó nói trước tương lai Sebastian Kurz đang tiến một bước đi dài trong sự nghiệp chính trị. Tuyên bố chiến thắng trước đám đông người ủng hộ, ông Kurz chia sẻ: “Tôi thật sự rất sốc. Chúng ta đã biến điều bất khả thi thành hiện thực. Xin rất cảm ơn sự tận tụy của tất cả các bạn đã tạo nên thắng lợi lịch sử này”. Theo The Guardian, OVP dẫn đầu với 31,7% phiếu bầu, SPO của đương kim Thủ tướng Christian Kern có 27% phiếu bầu, xếp ngay sau là FPO với 25,9%. Dù Thủ tướng Kern và đảng SPO đã giúp lèo lái nền kinh tế Áo đạt nhiều thành công với tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt mức cao nhất trong sáu năm qua và chỉ số thất nghiệp giảm mạnh, vấn đề người nhập cư vẫn quá lớn để giúp SPO chiến thắng. Ông Christian Kern nhiều lần chỉ trích ngoại trưởng Áo là ứng cử viên của giới nhà giàu chứ không phải toàn thể người dân Áo. Trong khi đó, lãnh đạo FPO Heinz-Christian Strache cũng từng cáo buộc Kurz “ăn cắp ý tưởng” của đảng cực hữu. Vì không chiếm được ưu thế đa số, ông Kurz sẽ phải tạo lập một chính phủ liên minh. Ngoại trưởng Áo đã nhiều lần từ chối tiết lộ ông ưu tiên lựa chọn liên minh với đảng nào. Trả lời đài phát thanh ORF, Sebastian Kurz không loại trừ khả năng thành lập chính phủ thiểu số. Nhà lãnh đạo của OVP vẫn muốn chờ kết quả kiểm phiếu cuối cùng để minh định đảng phái nào về nhì. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều hãng thông tấn, khả năng cao OVP sẽ tạo cơn địa chấn mới là mời FPO lập liên minh cầm quyền. Nếu các dự đoán này là chính xác, chính phủ nước Áo sẽ ngả hoàn toàn sang cực hữu. Đảng FPO nhiều tranh cãi từng được các phần tử chính trị gia phát xít thành lập hơn 60 năm trước, sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt. Đảng này đã thu hút số lượng lớn các thành viên theo chủ nghĩa phát xít mới và chịu vô số chỉ trích về lập trường cực đoan đối với dân nhập cư. |