Chỉ một va quẹt nhỏ, người ta đã có thể bị thương, thậm chí mất mạng, không phải bởi tai nạn mà bởi bị người liên quan hành hung.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Quá sợ thói côn đồ trên đường phố” (ngày 1-7), nhiều lượt ý kiến độc giả gửi về cho biết họ đã ít nhất một lần trải qua hoặc chứng kiến cảnh đáng sợ tương tự.
“Hôm bữa, một taxi va quẹt nhẹ với người đi xe máy, chẳng ai bị sao nhưng chú đi xe máy giơ ngón tay lên có ý xúc phạm. Ngay lập tức tài xế taxi bay xuống, chọi thẳng chiếc giày vào chú đó. Giữa vòng xoay mà cả hai làm như sân nhà mình, chửi bới om sòm. Con người ta giờ quá dễ nổi nóng” - bạn đọc Lâm Vinh Hải kể lại.
“Người ta có thể hung hăng nhưng thái độ của mình rất quan trọng. Hãy hòa nhã hết mức, cười cầu tài ngay rồi tính gì thì tính” - bạn đọc WooH góp ý. Thế nhưng với trường hợp mới xảy ra ở Đồng Nai, nam thanh niên vạm vỡ cầm nón bảo hiểm đánh thẳng vào đầu một cô gái mảnh mai, yếu đuối khiến ai cũng phải khiếp sợ, sự hung hãn đã làm mờ hết lý trí, lòng nhân. “Cách tấn công không khác gì thú dữ xông vào con mồi, như kẻ thù thanh toán nhau” - bạn Kim Ngọc lo lắng. “Vấn đề là nhiều người bề ngoài nhìn đàng hoàng, không giang hồ, đầu gấu mà vẫn có thể hành động như vậy, không biết sao mà né” - bạn Phan Hùng phân tích.
“Bây giờ ra đường sợ lắm bà con ơi, ai cũng cố tỏ ra mình có sức mạnh. Một điều nhịn chín điều lành cho yên” - bạn Trần Quốc Nam khuyên nhủ.
Về giải pháp thoát hiểm, bạn Thúy Vy chia sẻ “kinh nghiệm là đấu dịu trong mọi hoàn cảnh nhưng phải luôn nhìn thẳng người kia. Nếu họ chỉ la lối thì im, nếu có dấu hiệu động tay động chân thì phải tránh né hoặc bỏ đi chỗ khác thật nhanh”.
Đường sá càng đông thì nguy cơ xảy ra va chạm càng cao, nếu mỗi lần như vậy chúng ta đều giải quyết bằng tranh chấp, cãi vã sẽ rất mất thời gian và gây nhiều hệ lụy. Độc giả Quang Duy tự nhận mình có võ, tự vệ tốt nhưng luôn chủ trương “không động thủ. Tình hình nghiêm trọng thì kêu công an, không thì hãy kết thúc vấn đề thật nhanh. Xin lỗi, thậm chí thấy sai móc tiền đền luôn. Thà ấm ức chút còn hơn để tới đánh nhau bị quay clip đưa lên mạng, ai cũng xấu xí”.
“Cách tốt nhất là cố gắng đi khỏi đó càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không đôi co, phân trần, giải thích. Nhanh, gọn là thần chú nhé!” là hiến kế của độc giả Văn Mạnh.
Còn nhớ trước đây TP từng phát động một phong trào nhiều ý nghĩa nhưng bị đi vào quên lãng rất nhanh, đó là “giao thông nhường nhịn”. Nhiều người thắc mắc nhường nhịn ở đây có nghĩa gì trong khi “người ta chen nhau từng nửa vòng bánh xe, thản nhiên rẽ dù có biển cấm, đèn chưa xanh đã kéo ga vọt thẳng, làn của mình không đi lại thích chen vào làn của người khác. Đi sai dẫn tới đụng độ mới sinh chuyện đó thôi” - là ý kiến của độc giả Vi Vân. Phải chăng đây là mấu chốt của vấn đề?