Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP.HCM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM) vừa có báo cáo tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn TP năm 2023.
Trong đó, liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, tham nhũng và môi trường, Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM nhận định nổi lên các vụ phạm tội tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong tổ chức, doanh nghiệp; hoạt động tạo lập các dự án bất động sản “ma” lôi kéo khách hàng đầu tư hoặc huy động vốn trái phép; hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế có tổ chức, thực hiện hành vi vi phạm với giá trị kinh tế lớn…
Trong năm 2023, Công an TP.HCM đã phát hiện xử lý 1.583 vụ, 1.600 đối tượng có dấu hiệu vi phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Kết quả: khởi tố mới 200 vụ, 364 bị can phạm tội về kinh tế; 53 vụ án, 327 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Xử phạt vi phạm hành chính 1.038 vụ, 844 cá nhân, 209 tổ chức, phạt tiền gần 24 tỉ đồng; trị giá hàng hoá thu giữ hơn 205 tỉ đồng; thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tính hơn 223 tỉ đồng.
Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM cũng nhắc đến vụ sai phạm điển hình trong lĩnh vực đăng kiểm và lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe.
Ngoài ra, Công an TP đã điều tra, khám phá 3.800/6.482 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 6.163 đối tượng; điều tra khám phá 1.449/2.176 án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đấu tranh làm tan rã 69 băng nhóm tội phạm, bắt 281 đối tượng...
Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM nhìn nhận, với vai trò chủ công, nòng cốt, Công an TP đã thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Qua đó, đã phát hiện, xác lập và triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn; triển khai ba đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung vào các đường dây, tổ chức tội phạm có tổ chức, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về tội phạm, qua đó có tác dụng tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Sang năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM đề nghị phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm.
Đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm theo chuyên đề, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, không để tội phạm hoạt động gây bức xúc dư luận xã hội.
Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.
Triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trở về địa phương xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng nhằm giảm tỉ lệ tái phạm.
Sở, ngành, chính quyền địa phương phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực được giao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm…