Công an vào cuộc điều tra vụ chặt phá hơn ngàn gốc cà phê ở Gia Lai

(PLO)- Công an huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai vào cuộc điều tra, xác minh kẻ gian phá hoại vườn cà phê tại làng O Ngó, xã Ia Băng. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, ông Trần Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ chặt phá vườn cà phê của người dân ở làng O Ngó (xã Ia Băng). Diện tích cà phê bị chặt nằm trên khu đất đang tranh chấp giữa các hộ dân làng O Ngó và hộ ông ĐKT.

Hiện trường vườn cà phê bị chặt phá. Ảnh: TA.

Hiện trường vườn cà phê bị chặt phá. Ảnh: TA.

Liên quan vụ việc này, lãnh đạo Công an huyện Đắk Đoa, cho biết đơn vị đã nhận được thông tin và đang chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra xác minh. Bước đầu, xác định diện tích cà phê bị phá hoại nằm trong khu vực đất đang xảy ra tranh chấp của người dân, trong đó có nhiều cây tái sinh từ những cây đã bị chặt cách đây hơn hai năm.

Về phía chính quyền, lãnh đạo UBND huyện Đắk Đoa xác nhận đã nắm được thông tin và yêu cầu xã Ia Băng báo cáo vụ việc bằng văn bản.

Qua kiểm tra, xác định có khoảng 1.069 cây bị chặt phá nằm rải rác trong những vườn cao su. Đây là những cây cà phê của người dân trồng được 3-5 năm nhưng ít chăm sóc nên kém phát triển.

Theo ông Dip, Trưởng thôn làng O Ngó (xã Ia Băng), cho biết những cây cà phê này đã bị kẻ xấu chặt phá vào rạng sáng ngày 13-3 và chỉ trong một thời gian ngắn cả vườn bị phá sạch. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần trước đây, vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Đây là khu vực đất của người dân trong làng canh tác cà phê và đang có tranh chấp với hộ ông ĐKT chưa giải quyết xong.

Những cây cà phê bị chặt ngang gốc. Ảnh: TA.
Những cây cà phê bị chặt ngang gốc. Ảnh: TA.

Trước đó, năm 2020, tại khu vực này cũng bị kẻ xấu chặt phá hơn 2.000 gốc cà phê của người dân làng O Ngó (xã Ia Băng). Đây là diện tích cà phê chung của làng, mỗi gia đình góp nhau trồng, chăm sóc và khi thu hoạch chia đều cho mỗi hộ.

Về nguồn gốc khu đất này, trước đây được Công ty Cao su Mang Yang trồng cao su, còn hộ ông ĐKT tham gia nhận khoán. Thời điểm hết nhận khoán trồng cao su, người dân cho rằng đất này có nguồn gốc sở hữu của dân làng nên vào đây trồng cà phê và xảy ra tranh chấp với hộ ông ĐKT.

Hiện trường vụ chặt phá cà phê năm 2020. Ảnh: LK.

Hiện trường vụ chặt phá cà phê năm 2020. Ảnh: LK.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm