Như chúng tôi đã phản ánh, TAND Tối cao đang soạn thảo thông tư quy định về việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương này vì nó mang lại lợi ích cho người dân, thay vì bản án chỉ được cung cấp cho đương sự liên quan trong vụ án như hiện nay…
Dân dễ tiếp cận, giám sát, tìm hiểu pháp luật
“Tôi ủng hộ vì về mặt nguyên tắc, những phiên tòa nào thuộc diện xét xử công khai thì phải được công khai bản án. Nó cũng phù hợp với tinh thần xét xử công khai và quyền được biết kết quả xét xử của người dân theo Điều 103 Hiến pháp 2013” - luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nói.
Theo LS Thiện, việc công khai bản án trên mạng giúp người dân giám sát việc xét xử của tòa, kịp thời phát hiện những bản án có sai lầm để kiến nghị khắc phục. Còn nếu các bản án đã chuẩn xác rồi thì là nguồn để phổ biến pháp luật cho người dân. Nếu có tranh chấp, trước khi đi kiện, người dân có thể tìm hiểu bản án giải quyết tranh chấp tương tự để tìm hiểu kiến thức, đánh giá khả năng thắng thua… “Nó sẽ góp phần tuyên truyền pháp luật rộng rãi” - LS Thiện khẳng định.
Hiện nay, TAND Tối cao chỉ mới công khai án lệ trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao. Ảnh: HTD
Ông Hoàng Văn Hải (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) cũng nhận xét: “Đối với thẩm phán, việc công khai bản án buộc họ thận trọng trong câu chữ, áp dụng pháp luật chuẩn hơn và luôn phải tự nâng cao trình độ của mình. Việc công khai bản án trên mạng còn giúp hạn chế được tiêu cực trong hoạt động xét xử, giúp việc giám sát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, một bản án thiếu thuyết phục, bị dư luận lên án, phản đối, đòi hỏi tòa cấp trên xem xét lại thì thay vì chờ chuyển hồ sơ lên, tòa cấp trên có thể tìm ngay được nội dung trên mạng để giải quyết kịp thời theo thẩm quyền”.
“Nó còn giúp ích cho việc đào tạo và nghiên cứu pháp luật” - TS Lê Minh Hùng (Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung. Theo TS Hùng, hiện nay các cơ sở đào tạo luật, nhà nghiên cứu pháp luật muốn tiếp cận bản án của tòa để giảng dạy rất khó. Các học viên, sinh viên muốn tra cứu tài liệu về bản án cũng rất khó khăn, vất vả. Việc công khai bản án trên mạng sẽ tạo ra những trang cơ sở dữ liệu để lưu trữ, tra cứu dễ dàng, nhanh chóng trong điều kiện các tòa đều được kết nối Internet, nhiều tòa cấp tỉnh đã có cổng thông tin điện tử riêng.
Cần mã hóa thông tin tùy trường hợp
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng trong một số trường hợp, ngành tòa án nên xem xét mã hóa thông tin về nhân thân như tên tuổi, địa chỉ của đương sự liên quan khi đưa bản án lên mạng.
Theo TS Lê Minh Hùng, trước hết cần mã hóa thông tin về nhân thân của người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục, buôn bán người bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hoặc những bản án, quyết định ly hôn mà nguyên nhân liên quan đến tình dục hay đánh ghen… thì không nên công khai thông tin của những đứa trẻ là con của hai bên đương sự. Với những người phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, hoàn cảnh éo le thì cũng nên giấu thông tin về nhân thân của họ trong bản án bởi nó ảnh hưởng đến con đường hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng và tương lai của họ.
“Ngay cả án kinh tế có liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc đến việc mã hóa thông tin” - LS Trần Ngọc Quý (Đoàn LS TP.HCM) bổ sung. Theo ông, với án dạng này, cũng như án liên quan đến bí mật riêng tư, bí mật cá nhân thì chỉ nên công khai thông tin về nhân thân nếu người liên quan đồng ý để hạn chế tác động mà họ có thể phải gánh chịu. “Không giống như án lệ đã được nghiên cứu kỹ, những bản án này dù có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn có thể có sai sót, có rủi ro pháp lý, ảnh hưởng tới nhiều người” - LS Quý nói.
Công khai nhiều loại án Theo dự thảo thông tư, các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được công khai gồm: Bản án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự; quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; quyết định giải quyết việc dân sự. Dự thảo cũng quy định một số trường hợp bản án, quyết định được công khai có điều kiện và không được công khai… |