Công ty Úc tạo ra thịt viên từ ADN của voi ma mút

(PLO)- Công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy Vow ở Úc đã tạo ra thịt viên voi ma mút, qua đó tạo tiềm năng cho thịt nuôi cấy, xây dựng thói quen hạn chế thịt từ giết mổ động vật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vow, một công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy của Úc, đã tạo ra thịt viên voi ma mút và đưa sản phẩm này tham gia bộ sưu tập tại Rijksmuseum Boerhaave - một bảo tàng khoa học và y học ở Hà Lan vào ngày 28-3, theo đài CNN.

Theo công ty, mục tiêu của dự án là thu hút sự chú ý của công chúng với việc phát triển thịt nhân tạo nuôi cấy từ tế bào, thay thế thịt giết mổ động vật, tạo thói quen ăn uống lành mạnh và thân thiện với hành tinh.

Thịt viên voi ma mút thực chất giống như một viên thịt cừu nhân tạo trong phòng thí nghiệm, trộn với một lượng rất nhỏ ADN của voi ma mút.

Trên thực tế, vẫn có một kho mô ma mút đông lạnh còn nguyên vẹn nhưng các nhà khoa học nghiên cứu trong dự án thịt viên này không có quyền truy cập vào kho này. Vì vậy, họ tập trung vào một loại protein có trong động vật có vú, được gọi là myoglobin, giúp tạo ra kết cấu, màu sắc và mùi vị của thịt.

Sau đó, các nhà khoa học đã chèn gen tổng hợp vào một tế bào cơ cừu, nuôi cấy nó trong phòng thí nghiệm và thu được khoảng 400 gram thịt voi ma mút.

Thịt viên voi ma mút nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - một sản phẩm do công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy ở Úc tạo ra. Ảnh: CNN

HOÀNG NHI

Thịt viên voi ma mút nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - một sản phẩm do công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy ở Úc tạo ra. Ảnh: CNN

Giáo sư Ernst Wolvetang, trưởng nhóm cấp cao tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ nano Úc tại Đại học Queensland và là một trong những người tham gia dự án, cho biết: “Chỉ có một gen trong số 25.000 bộ gen là thuộc về voi ma mút. Hầu hết những gen còn lại là của những con cừu”.

Giám đốc khoa học của Vow - ông James Ryall cho biết sản phẩm thịt viên sẽ không được cung cấp ra ngoài thị trường, bởi protein có trong thịt này đã không tồn tại trong hơn 5.000 năm và ông không rõ về nguy cơ gây ra dị ứng của loại protein đặc biệt này.

Ông chia sẻ thêm: “Hy vọng lớn nhất của tôi đối với dự án này là có thêm nhiều người trên khắp thế giới bắt đầu biết về thịt nuôi cấy. Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ về cách mà chúng ta có được thức ăn”.

Ông Ryall cùng những người ủng hộ hy vọng thịt nuôi cấy sẽ làm giảm nhu cầu giết mổ động vật để làm thức ăn và giúp chống lại khủng hoảng khí hậu.

Vow cũng cho biết mục đích chọn voi ma mút làm đối tượng nghiên cứu cho dự án là vì ma mút là biểu tượng cho tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, theo tờ The Guardian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm