Sau khi Chính phủ tung gói hỗ trợ tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do tác động của dịch COVID-19, Pháp Luật TP.HCMghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, chuyên gia…
Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):
Cần có gói cho vay hỗ trợ lãi suất 0%
Gói hỗ trợ tài chính mà Chính phủ vừa tung ra là đúng lúc, có thể giúp DN tiếp cận để xoay xở trong lúc này. Tuy nhiên, với lãi suất có phần ưu đãi này, chỉ những DN có mối quan hệ (vay-trả) tốt với ngân hàng thì có thể tiếp cận được. Còn những DN đang khó khăn (từ sản xuất, kinh doanh đến vay-trả các khoản nợ) thì không thể tiếp cận được.
Nhiều DN mong muốn trong thời điểm, tình hình hiện nay: Hạn trả nợ đã đến hoặc đã lỡ trễ sẽ được kéo giãn ra. Tuy nhiên, việc kéo giãn nợ vay cũng khó vì sẽ làm thay đổi các nhóm nợ. Vì vậy, cần có một cơ chế về giãn nợ, giải quyết cho các nhóm nợ và cần cơ chế tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa tiếp cận gói cho vay lãi suất ưu đãi.
Các ngân hàng cũng là đơn vị hoạt động kinh doanh, họ cũng sẽ tính đến bài toán rủi ro nên chắc chắn sẽ áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt đối với những gói hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu. Khi đó, DN cũng sẽ khó tiếp cận gói hỗ trợ.
Hơn nữa, lãi suất cho vay nếu giảm chỉ 0,5%-1,5% thì cũng không thay đổi gì nhiều. Nhà nước cần có sự rõ ràng hơn về chính sách hỗ trợ lãi suất, như giảm lãi suất từ 6%/năm xuống 4%/năm thì trong đó Nhà nước bù cho 2% hoặc đưa ra các gói hỗ trợ đặc biệt với lãi suất về 0% như cách làm của một số nước thì may ra ngân hàng mới mạnh dạn cho vay.
Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh:
Cần giảm lãi suất cho vay và giãn nợ cho doanh nghiệp
Những ngày qua, lãi suất cho vay của các ngân hàng chưa thấy giảm. Hôm trước DN tôi có đi vay thì mức lãi suất dù chỉ còn 8,3%/năm nhưng vẫn còn cao, thay đổi không nhiều so với trước (8,6%/năm).
Trong ngành cao su, nhựa, đặc biệt những DN gặp khó khăn vì dịch COVID-19, dòng tiền về chậm, không đủ để tiếp tục ổn định sản xuất thì cần phải giãn nợ, khoanh nợ cho họ. Cạnh đó, các DN trong ngành đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, do chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. Với nguồn nguyên liệu hiện có, các DN cao su - nhựa chỉ có thể sản xuất cầm cự đến cuối tháng 3, lâu nhất là đến giữa tháng 4.
Một khó khăn khác của các DN ngành này đó là dòng tiền về rất chậm. Hàng vẫn bán được nhưng khách hàng lấy cớ vì dịch bệnh nên chậm trả cho DN. Thông thường dòng tiền của DN xoay vòng 3-4 lần/năm, thế nhưng nay chỉ còn có thể là 1-2 lần/năm khiến chi phí, trả lãi vay ngân hàng tăng lên đáng kể.
Từ chậm có tiền, DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lãi suất đúng hạn cho ngân hàng. DN cũng không dám vay nhiều, chỉ vay trong khả năng cho phép của mình. Trong lúc này, các DN rất mong được giãn nợ, giảm lãi suất cho vay xuống. Ngoài ra, đa số DN vẫn rất cần chính sách điều chỉnh giảm ngay thuế GTGT, thuế thu nhập DN.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất, giãn nợ thuế để vượt qua dịch COVID-19. Ảnh: Q.HUY
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU:
Lập quỹ bảo lãnh tín dụng bơm tiền cho doanh nghiệp
Loại lãi suất điều hành mà NHNN đã hạ là loại lãi suất trên thị trường hai (thị trường liên ngân hàng) và một số lãi suất cho thị trường một như huy động vốn. Việc hạ lãi suất của NHNN chắc chắn có tác động tích cực trên thị trường tài chính, nó làm cho chi phí vốn rẻ và từ đó các DN có thể vay từ vốn với lãi suất hạ hơn. Nói chung đây là những biện pháp thích hợp tại thời điểm này.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất không thể giúp nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng. Bởi việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường. Trong lúc này, vấn đề của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, khi mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, nguồn cung giảm thì mức cầu cũng giảm theo, tạo một vòng xoáy đi xuống cả cung và cầu cho nên các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Chẳng hạn ở Mỹ, khi mà ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất xuống gần 0% thì thị trường chứng khoán rớt điểm, đây là lần rớt điểm sâu nhất từ năm 1988 đến nay. Từ đó, chứng tỏ rằng các chính sách về tiền tệ không giải quyết được nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế tiền tệ nói chung.
Ở Việt Nam hiện nay cũng vậy, biện pháp của NHNN Việt Nam hiện rất tốt, rất tích cực. Thế nhưng không thể chỉ dựa vào mỗi chính sách tiền tệ mà cần có bàn tay của chính sách tài khóa như giảm thuế, giãn, hoãn thuế.
Thậm chí là Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ các DN bằng tiền cho vay hay cơ chế hỗ trợ tiền cho các DN đang gặp khó khăn như quỹ bảo lãnh tín dụng. Thông qua quỹ này Chính phủ bơm tiền vào đó, khi DN vay ngân hàng không được thì quỹ này bảo lãnh cho họ để DN được vay vốn.
Thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng, các DN đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể được hỗ trợ một cách trực tiếp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể có những chính sách giảm thuế, miễn thuế… thay vì chỉ hỗ trợ lãi suất trên thị trường tài chính.