Ngày đầu tổng xét nghiệm 1.700 người của 36 CLB Bundesliga 1 và 2 thì 10 ca dương tính với COVID-19…
Có vẻ các quan chức Đức muốn người Đức đối diện với COVID-19 hơn là “núp lùm” với dự tính Bundesliga sẽ khởi động lại ngày 15-5. Ngay đợt kiểm tra, tầm soát thì có đến 10 ca nhiễm. Nhưng điều đó không ngăn cản quả bóng Bundesliga lăn trở lại. Ban tổ chức Bundesliga có được sự đồng thuận cao từ nhà nước Đức. Thông điệp của nữ Thủ tướng Merkel mang đậm “tính cách Đức” với lời nhắn nhủ: “Con virus ngoại bang đến không thể trì hoãn bóng đá Đức nữa!”.
Bà Merkel không quan tâm nhiều về 10 ca nhiễm COVID-19 khi tổng “test” 1.700 người là nhân viên, cầu thủ của các CLB Đức. Bà còn nói bóng đá hãy trở lại một cách mạnh mẽ.
Chấp COVID-19, Bundesliga vẫn quyết định trở lại. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó khi Serie A rục rịch tập trung trở lại thì Bộ trưởng Thể thao Vincenza của Ý tỏ ý quan ngại, ông kêu gọi: “Nhà nước hãy quyết vấn đề này, thay vì để các nhà điều hành bóng đá tự quyết thiếu sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn như y tế tư vấn…”.
Ngày 7-5, CLB Torino có ca lây nhiễm COVID-19, điều đáng nói là CLB Torino cũng là đội bóng cùng thành phố với Juventus.
Ngày 8-5 có bốn cầu thủ Sampdoria và ba cầu thủ Fiorentina nhiễm COVID-19, trong số này có hai ca tái nhiễm. Tình hình quả là đang thách thức Serie A thật sự nếu không có quan niệm “chấp nhận đương đầu” với dịch bệnh như kiểu Đức.
Người Đức, nhà nước Đức, Thủ tướng Merkel, ban điều hành bóng đá Đức chấp nhận “đối mặt” với COVID-19, còn Serie A thì lại chờ kiểu như dịch bệnh qua đi thì bóng lăn trở lại. Hai khái niệm hoàn toàn đối lập nhau.
Suy cho cùng, trong hoàn cảnh hiện nay, châu Âu chưa kiểm soát được dịch, cách cư xử của Serie A sẽ rất khó, trong khi Đức thì rất mạnh mẽ dù với giới y tế thế giới thì không hẳn đấy là sự mạnh mẽ đáng để học hỏi.
COVID-19 thật “đỏng đảnh” trước mắt là với bóng đá châu Âu, trong đó có Bundesliga và Serie A.