CQĐT có quyền “kháng lệnh” của VKS?

GS-TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự luật), cho biết theo quy định pháp luật hiện hành thì VKS chế ước tuyệt đối với cơ quan điều tra (CQĐT) trong hoạt động điều tra hình sự. CQĐT phải chấp hành vô điều kiện mọi yêu cầu hoặc quyết định của VKS.

Báo cáo, làm theo ý kiến của CQĐT cấp trên?

Theo ông Ngọc Anh, dự luật sẽ có sự thay đổi theo hướng nếu không đồng ý với yêu cầu hoặc quyết định của VKS thì thay vì buộc phải tuân theo, CQĐT có thể báo cáo với CQĐT cấp trên trực tiếp và làm theo quyết định của CQĐT cấp trên trực tiếp. Điều này nhằm bảo đảm sự chế ước lẫn nhau giữa CQĐT và VKS; bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của CQĐT trong hoạt động điều tra hình sự; khắc phục khó khăn, vướng mắc khi xuất hiện yêu cầu, quyết định của VKS mà CQĐT có căn cứ cho rằng chưa phù hợp với quy định.

Cụ thể, dự thảo quy định như sau: “Đối với các yêu cầu hoặc quyết định của VKS mà CQĐT có căn cứ cho rằng không cần thiết hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật thì CQĐT không thực hiện ngay mà kiến nghị với CQĐT cấp trên trực tiếp, đồng thời thông báo cho VKS đã yêu cầu hoặc ra quyết định biết. Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, CQĐT cấp trên phải có trách nhiệm thống nhất với VKS cùng cấp và có văn bản trả lời về kiến nghị của CQĐT cấp dưới. CQĐT cấp dưới phải có trách nhiệm thực hiện ngay ý kiến của CQĐT cấp trên trực tiếp.

Cơ quan điều tra đang thu thập tài liệu trong một vụ khám xét. Ảnh minh họa: HTD

Tương tự, đối với lệnh hoặc quyết định của CQĐT đề nghị VKS phê chuẩn nhưng VKS không phê chuẩn thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do từ chối phê chuẩn; nếu CQĐT có căn cứ cho rằng việc từ chối phê chuẩn của VKS không phù hợp thì kiến nghị với CQĐT cấp trên và có trách nhiệm thực hiện ngay ý kiến của CQĐT cấp trên trực tiếp.

Không thể triệt tiêu vai trò của VKS

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội) nhận xét quy định mới này “đã vô tình làm triệt tiêu vai trò giám sát của VKS với CQĐT”. Ông nói: “Đúng là cần phải kiểm soát quyền lực lẫn nhau nhưng việc quy định như dự thảo sẽ làm xóa mờ chức năng, vai trò của VKS. Vai trò của VKS là chỉ đạo, giám sát điều tra và luôn có trách nhiệm cao hơn so với CQĐT nếu có hậu quả xấu xảy ra. Vì vậy, tốt nhất nên giữ nguyên cơ chế CQĐT chấp hành vô điều kiện mọi yêu cầu hoặc quyết định của VKS như hiện nay”.

Đồng tình, TS Nguyễn Mai Bộ (Thẩm phán Tòa án Quân sự Trung ương) cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải khẳng định một điều rằng từ trước đến nay ở đâu có CQĐT là ở đó có VKS. CQĐT cũng như các cơ quan tư pháp khác luôn chịu sự giám sát của ngành kiểm sát. Cơ chế giám sát này luôn đi đôi với trách nhiệm nên nếu CQĐT cho rằng VKS lạm quyền thì sau khi chứng minh được yêu cầu hoặc quyết định của VKS có “vấn đề” thì cứ quy trách nhiệm cho VKS”.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) thì nhận xét: “Chúng ta đang muốn thay đổi cơ chế phối hợp giữa CQĐT và VKS trong dự luật này mà quên rằng nếu muốn thay đổi thì việc đầu tiên là phải thay đổi BLTTHS. Bởi dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sẽ được hình thành dựa trên các nguyên tắc chung của BLTTHS. BLTTHS đã giao cho VKS các quyền về kiểm sát hoạt động tư pháp và công tố thì luật cũng buộc VKS phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Bây giờ vì một lý do nào đó cho rằng yêu cầu hoặc quyết định của VKS không phù hợp, không có căn cứ rồi đòi chế ước lẫn nhau sẽ làm lộ thêm cơ chế hành chính phức tạp. Bởi nếu CQĐT không đồng ý thì phải báo cáo cấp trên, chờ cấp trên thống nhất với VKS cùng cấp. Việc kéo dài tiến độ giải quyết án này một phần sẽ ảnh hưởng đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013 mà lại không cần thiết”.

PHAN THƯƠNG

Trách nhiệm của điều tra viên thế nào?

Trong dự thảo này có một vấn đề nổi cộm mà Bộ Công an chưa “đụng tới”. Đó là việc sử dụng bức cung, nhục hình của điều tra viên (ĐTV). Việc các ĐTV sử dụng bức cung, nhục hình là có nhưng không phải vụ nào cũng được đưa ra ánh sáng như vụ năm bị cáo nguyên là công an đánh chết người bị xét xử ở Phú Yên. Song cơ chế để ĐTV phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng này thì trong dự thảo lại chưa nói. Phải chăng vì anh không để lại dấu vết gì nên anh yên tâm rằng lời tố cáo của bị can, bị cáo là không có cơ sở? Chúng ta vẫn đang xây dựng luật theo kiểu Nhà nước có quyền chứ công dân vẫn chưa có quyền.

TS NGUYỄN MAI BỘ, Tòa án Quân sự Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm