Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo (lần ba) thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Tại bản dự thảo lần này, Bộ Công an bổ sung một hình thức người dân được quyền giám sát công an thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông lực lượng CSGT luôn là chủ chốt. PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của các cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo CSGT xoay quanh vấn đề người dân được ghi âm, ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ.
CSGT không tiêu cực, cứ ghi hình thoải mái
Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho biết việc người dân giám sát CSGT là nhằm mục đích để CSGT không tiêu cực, sai phạm trong lúc thực thi nhiệm vụ. Ông cho rằng CSGT sẵn sàng để người dân thực hiện điều đó nhưng mong việc ghi hình, thu âm không gây ảnh hưởng đến hoạt động, công tác xử lý vi phạm của lực lượng. “Người dân được ghi hình thoải mái, chúng tôi không ngại gì hết” - vị này khẳng định.
“CSGT chúng tôi không sợ bị ghi âm, ghi hình. Nhưng thực tế có rất nhiều tình huống người dân vừa bị CSGT thổi phạt thì xuống xe, móc ngay điện thoại ra chĩa thẳng vào mặt CSGT và nói đang thực hiện quyền giám sát rồi có những lời lẽ, hành động đả kích lực lượng, gây rối an ninh trật tự. Sau khi cắt cúp hình ảnh, lọc âm thanh, họ tung lên mạng xã hội những đoạn clip không phản ánh đúng sự thật vụ việc. Từ đó làm xấu đi hình ảnh của người thực thi công vụ khiến người dân có ác cảm với CSGT” - vị đội trưởng Đội CSGT cho biết.
Vị đội trưởng kể lại có tình huống vì muốn CSGT thông cảm, bỏ qua lỗi nên người vi phạm cố tình cầm tiền nhét vào tay, vào túi CSGT và nói “Anh mua chai nước, làm ổ bánh mì…”. CSGT cương quyết từ chối, đẩy tay anh ta ra nhưng khi đoạn clip được tung lên mạng thì chỉ còn cảnh đút nhét tiền và câu nói trên. Thậm chí có trường hợp khi CSGT đang xử lý vi phạm đối với người này thì một người khác bước đến, đưa điện thoại ra đòi CSGT cho xem kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, xử lý và bảo là đang giám sát CSGT. Trong khi người này không hề liên quan. “Đặc biệt, các trường hợp người vi phạm trong hơi thở có cồn thì hay xảy ra tranh cãi với CSGT, rồi bột phát lấy điện thoại ra ghi hình, thậm chí còn livestream, nói trên trời dưới đất khiến cộng đồng mạng hiểu lầm về lực lượng” - vị này kể.
Vị đội trưởng tiếp lời: “Chúng tôi không sợ người dân giám sát lúc chúng tôi làm việc nhưng cứ cầm điện thoại quay mặt, đọc tên, số hiệu, livestream lên mạng rồi kể những câu chuyện không diễn ra thực tế thì nhiều người sẽ nghĩ anh CSGT chắc là tiêu cực nên mới bị quay camera...”.
CSGT đo nồng độ cồn người lái ô tô và lập biên bản các trường hợp vi phạm là những hình ảnh, việc làm công khai của CSGT mà người dân được quyền chụp ảnh, ghi hình… Ảnh: LÊ THOA
Phải để CSGT bình tĩnh làm việc
Theo một cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất, việc người dân ghi âm, ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ là việc rất bình thường mà cán bộ, chiến sĩ ở đội này hay gặp. “Đó là quyền của người dân, CSGT không có quyền cấm đoán” - vị cán bộ nói.
“Nhiều lần tôi và anh em trong đội xử lý nồng độ cồn hoặc người vượt đèn đỏ thì hay gặp người dân không hợp tác, chống đối. Khi đó họ thường lấy điện thoại ra quay với lý do để làm bằng chứng và không chấp hành việc xử lý của CSGT” - vị cán bộ kể lại và cho rằng khi CSGT làm đúng thì không sợ người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Tuy nhiên, theo vị cán bộ, khi người dân quay CSGT đang làm việc thì rất cần kỹ năng, kỹ thuật quay cho có… văn hóa. “Nhiều lúc anh em đang lập hồ sơ, biên bản mà người dân gí thẳng điện thoại tận mặt CSGT để quay phim thì rất ức chế. Với các trường hợp như vậy, CSGT phải giải thích rõ với người dân rằng việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ bình tĩnh làm nhiệm vụ” - vị cán bộ nói.
Dân ghi âm, chụp ảnh đúng cách để CSGT tốt hơn Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho rằng việc ghi âm, ghi hình của người dân đối với lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng giúp việc thi hành công vụ ngày càng tốt hơn và ông ủng hộ điều này. Tuy nhiên, theo ông Truyền, việc người dân ghi âm, ghi hình phải thực hiện đúng quy định hiện hành. Người dân không thể lạm dụng việc này gây cản trở hoạt động làm việc của lực lượng chức năng. “Có những người dùng điện thoại gí sát mặt cán bộ, chiến sĩ khi quay phim sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ. Hoặc có người yêu cầu công an phải trình đủ các loại văn bản, giấy tờ của ngành để kiểm tra xem có đúng là công an thiệt không… Làm như vậy là cố tình gây cản trở lực lượng công an thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi vàng thiệt không sợ gì lửa” - Đại tá Truyền nói. CSGT không được dùng điện thoại ghi hình dân Theo một số chiến sĩ CSGT, sau nhiều lần bị người vi phạm phản ứng trong khi không được trang bị đủ thiết bị kỹ thuật của ngành nên các chiến sĩ này nghĩ ra “sáng kiến”: Dùng điện thoại di động hoặc tự mua thiết bị để gắn lên mũ nhằm ghi hình người dân vi phạm giao thông. Khi người vi phạm cự cãi thì các chiến sĩ đưa hình ảnh ghi được từ “sáng kiến” trên ra làm bằng chứng. Theo một sĩ quan Đội CSGT Bến Thành, cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường không được dùng điện thoại di động hoặc thiết bị tự mua sắm để ghi hình làm bằng chứng. Chỉ những hình ảnh được ghi từ thiết bị do ngành công an trang cấp mới là cơ sở pháp lý - kỹ thuật để xử lý vi phạm giao thông. |