Cử tri lo lắng: Ma túy hoành hành làm băng hoại lớp trẻ

Ngày 7-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đơn vị bầu cử số 8 (TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 6.

Đơn vị bầu cử số 8 gồm các ứng cử viên: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu; ông Tăng Phước Lộc, Phó Trưởng ban, Ban Dân tộc TP.HCM; Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM; bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM; ông Đặng Văn Lẫm, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7.

Các ứng viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 8 tiếp xúc cử tri quận 6. Ảnh: THANH TUYỀN

Các ứng cử viên ĐBQH đã trình bày chương trình hành động của mình với cử tri. Các cử tri đều gửi gắm sự tin tưởng của mình vào các ứng viên. Cử tri mong rằng, dù có được trúng cử hay không thì cả năm ứng viên với vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình có thể cống hiến hơn nữa để phục vụ cho người dân.

Ma túy hoành hành: Thanh thiếu niên sẽ đi về đâu?

Cử tri Phương Ngọc Hạnh bày tỏ mong mỏi các ứng viên có thể đưa ra nghị trường Quốc hội nhiều hơn nữa vấn đề về tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo cử tri Hạnh, tệ nạn ma túy, giết người, hiếp dâm trẻ em, đạo đức lối sống của con người bị sa sút nhiều quá. Ma túy bán qua biên giới, đường thủy… mà không giám sát được, ngày trước có vài gram thì nay lên tới hàng chục, hàng trăm kilogram… Các quán bar, vũ trường mà công an ập vào là 80-90% đều có sử dụng ma túy hết.

"Như thế thì làm băng hoại cả một thế hệ trẻ của đất nước ta. Rồi tệ nạn giết người cướp của, giết cả người thân của mình. Vấn đề này nhức nhối lắm, chúng ta phải có bàn bạc, xử lý như thế nào chứ nếu như vậy thì thanh thiếu niên sẽ đi về đâu?”- cử tri Hạnh nêu.

Cử tri Phương Ngọc Hạnh nêu ý kiến về các tệ nạn xã hội. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề giáo dục như SGK có đến năm bộ, mỗi trường muốn chọn bộ nào thì dạy bộ đó. "Không ra làm sao cả. Rồi ai muốn xuất bản thì... tùy, không có hệ thống”- cử tri nói.

Cử tri mong mỏi: “Giáo dục là vì con người, là chuyện lớn của một quốc gia chứ không phải chuyện đi chợ mua bán. Phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình học hành tốt, tiếp thu những tinh hoa để nâng cao trình độ học vấn của con em chứ không thể là chuyện bán - mua, xuất bản tùy tiện như vậy được”.

Vấn đề đạo đức học đường cũng được cử tri đề cập như tình trạng ăn hiếp học sinh nghèo, nạn đánh nhau, nữ sinh mang thai ngoài ý muốn…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu chia sẻ với cử tri rằng, dù ở cấp HĐND TP hay nghị trường Quốc hội thì các đại biểu vẫn luôn có ý kiến đóng góp về các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Bà cho rằng, đây là vấn đề rất sát sườn với đời sống của người dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN

“Chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển của ngành giáo dục trong thời gian qua. Nhưng để theo kịp thế giới cũng như đạt được nguyện vọng thì chưa đến, nó vẫn phát triển lưng chừng… Vẫn có những mặt chưa thành công mà chúng ta phải nhìn nhận”- bà Châu nói.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chia sẻ, bà sẽ luôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội; giám sát việc cải cách hành chính công để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung và của phụ nữ, trẻ em.

Bà cũng cho rằng, người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em phải được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.

Tham nhũng còn khiến dân mất lòng tin 

Nhiều cử tri cũng bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn đề tham ô, tham nhũng. Cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc xây dựng luật cần phải cân bằng giữa yếu tố đạo đức và pháp luật. Cử tri cũng phản ánh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Cử tri Hồ Minh Hải cho rằng, hiện nay tình trạng tham ô, tham nhũng vẫn còn quá nhiều. Điều này sẽ khiến cho người dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.  

Cử tri Hồ Minh Hải nêu ý kiến về vấn đề xây dựng luật. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri Hải cũng góp ý kiến về việc xây dựng Luật ở nước ta hiện nay. Theo cử tri, hiện các bộ luật thể hiện tính nhân văn là điều đáng hoan nghênh. Nhưng cũng cần phải siết chặt hơn để thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp.

“Đất nước ta xây dựng luật mang tính đức trị quá nhiều. Mà như thế lại không có sức răn đe, dường như người ta bị lờn với luật luôn rồi”- cử tri Hải nói.

Từ đó, ông cho rằng các bộ luật phải được xây dựng sao cho có sự hài hòa, uyển chuyển về cả mặt đạo đức và pháp luật. “Lúc cần mềm dẻo thì mềm dẻo, nhưng khi cần sự dứt khoát thì phải dứt khoát. Làm sao để không quá lờn luật mà cũng không bị cứng nhắc khi áp dụng”- cử tri nêu ý kiến.  

Về vấn đề giải quyết khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thông tin, khi Mặt trận chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của người dân đến các cơ quan chức năng thì sự phản hồi cũng chưa tốt. Mặt trận cũng đã có hệ thống đánh giá, dù thời gian qua việc trả lời đơn thư tố cáo có tích cực hơn nhờ sự đeo bám của Mặt trận nhưng thật sự vẫn chưa đạt kết quả tốt.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, chuyện cử tri phản ánh về việc hiện nhiều cơ quan chức năng giải quyết tố cáo, khiếu nại chỉ mang tính hình thức là có. Thậm chí, có nơi không phản hồi tố cáo của cử tri, không đáp ứng được nguyện vọng của bà con cử tri. Đây cũng là vấn đề mà bản thân ông cũng như các ứng viên ĐBQH rất quan tâm.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cam kết sẽ gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri TP và cử tri của đơn vị bầu cử. Ảnh: THANH TUYỀN

Với các vấn đề mà cử tri quan tâm như ma túy, các tệ nạn xã hội... Luật sư Trương Trọng Nghĩa khẳng định sẽ dựa vào cử tri, vào hệ thống MTTQ, luật sư, luật gia, báo chí; hợp tác chặt chẽ với với Đoàn ĐBQH và HĐND TP; yêu cầu phát huy và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu có vi phạm.

Cùng đó, Luật sư Nghĩa cam kết sẽ gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri TP và cử tri của đơn vị bầu cử để phản ánh đầy đủ, trung thực những bức xúc, trăn trở của cử tri; từ đó kiên trì, đôn đốc việc giải quyết kịp thời, triệt để và đúng pháp luật đơn từ khiếu nại, tố cáo của cử tri.

Đồng thời, Luật sư Nghĩa cũng sẽ giám sát thi hành luật pháp và các nghị quyết của Quốc hội; đấu tranh góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhất là người lao động công nhân và nông dân, đồng bào nghèo, yếu thế trong xã hội…

  Không có chuyện mất đảo, chủ quyền quốc gia vẫn toàn vẹn             

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phương Ngọc Hạnh mong muốn các đại biểu có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề bảo vệ, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Trả lời ý kiến cử tri, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 cho rằng: âm mưu của Trung Quốc là có, mưu đồ độc chiếm biển Đông là có nhưng Nhà nước đã dùng các biện pháp, giải pháp đối thoại quân sự, tận dụng, tranh thủ ủng hộ của các nước.

“Chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được biển đảo quê hương, bảo vệ tất cả những gì thuộc về toàn vẹn độc lập, chủ quyền thống nhất của Tổ Quốc, không để các đối tượng, kẻ thù xâm phạm chủ quyền của nước ta”- Phó Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm nhấn mạnh.

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công lý không bao giờ được phép mua bán
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công lý không bao giờ được phép mua bán
(PLO)- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đối xử tương xứng, cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm