Suốt hai tuần qua, thông tin gần 1.300 hộ dân tại sáu lô số chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ phải bắt đầu làm thủ tục di dời để thực hiện dự án xây mới cụm tám chung cư lô số trở thành câu chuyện nóng hổi trong những cuộc trà dư tửu hậu của người dân nơi đây. Với những người đã có phân nửa cuộc đời sống và gắn bó ở khu chung cư này thì niềm vui và sự quyến luyến như khi phải chia tay một người thân cũ cứ đan xen vào nhau.
Thanh Đa, những ngày đầu
Tìm gặp những người thuộc thế hệ đầu tiên sống ở khu chung cư này, họ kể rằng hồi xưa gọi là cư xá Thanh Đa, được xây dựng trước năm 1975.
Ngồi trên chiếc ghế bố ở một góc quán nước của mình, bà Hoàng Thị Ất (82 tuổi, ở lô VIII chung cư Thanh Đa) kể về những ngày đầu khi mới đến đây: “Đó là năm 1974, tôi theo chồng về đây ở, xung quanh toàn bãi lau sậy”.
Theo lời bà Ất, hồi mới về cư dân còn thưa thớt. Người ở khu chung cư đa phần là công chức, đời sống yên ổn.
Trong trí nhớ của ông Trần Quý Thọ (74 tuổi, ở lô I chung cư Thanh Đa), người gắn bó hơn 45 năm với chung cư, điều khiến ông muốn đến đây ở là khung cảnh bao quanh khu chung cư: “Lúc tôi về đây cùng vợ còn chưa tới 30 tuổi. Về ở thấy thích lắm vì vừa có bờ sông, gió thổi vào mát rượi, vừa có mấy con đường nhỏ dạo quanh, nhịp sống êm ả, yên tĩnh”.
Những năm sau giải phóng, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (60 tuổi, ở lô I chung cư Thanh Đa) kết hôn rồi theo chồng về đây sinh sống. Bao nhiêu đổi thay ở khu cư xá đều gắn liền với từng giai đoạn mưu sinh của bà.
Bà Tâm kể những năm đầu mới về, bà hết bán xôi chiên, nước uống đến từng ly sữa đậu nành, bánh tráng để mưu sinh. Vào khoảng những năm 1990, khi chung cư còn chưa có được nguồn nước sạch, người dân phải đi gánh nước sông về dùng. “Sau đó để đỡ cực thì nhà nào cũng mua cái bồn để tích nước mà xài dần. Mãi đến sau này, khi có nước của thủy cục cấp cho thì người dân mới có nước sạch” - bà Tâm kể.
Bây giờ bà Tâm không còn buôn gánh nữa mà có một quán cà phê cóc nằm ngay dưới chân dãy hành lang lô I. Cuộc sống của người dân mỗi ngày một khá hơn.
Theo quy luật…
Thế nhưng dù yêu mến chung cư Thanh Đa nhưng người dân nơi đây vẫn nhận ra rằng nơi họ đang ở đang xuống cấp dần với thời gian. Đâu đó trên những vách tường, những dãy hành lang, cánh cửa sổ đã xuất hiện những vết nứt, thậm chí có cả lô bị nghiêng lún rất nguy hiểm.
Cư dân biết nơi mình ở đã trải qua gần nửa thế kỷ đang hư hại dần. Phải xây lại nó là lẽ dĩ nhiên! “Nhưng sống với chung cư hàng chục năm qua, giờ nghĩ đến việc phải dời đi cũng có nghĩ ngợi. Vì nó sẽ xáo trộn nhiều thứ trong cuộc sống, nào là việc học của con cháu, rồi chỗ ở, sinh hoạt của mỗi nhà nữa…” - bà Tâm chép miệng.
Ngồi trò chuyện trên chiếc ghế đá, giữa những hàng cây xanh tỏa bóng mát cả một góc sân rộng ở lô I, II, ông Trần Quý Thọ trầm ngâm: “Nơi ở mà xuống cấp thì phải sửa và làm lại cho hoàn thiện, tôi biết phải như thế. Nhưng cũng thật khó để vứt bỏ đi hết những gì đã gắn bó lâu nay. Đó là những người bạn láng giềng, là quang cảnh sinh hoạt mỗi ngày khi thức dậy…”.
Có những thứ cũ cần phải thay đổi theo quy luật của phát triển, chung cư Thanh Đa cũng nằm trong quy luật đó, vì sự an toàn và cuộc sống tốt hơn cho cư dân.