Cùng với các lực lượng tuyến đầu khác như “đội quân áo xanh”, biên phòng hay công an… thì cán bộ khu phố là những người phải căng mình để chống dịch COVID-19. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu hơn về những nguy hiểm của dịch, hằng ngày họ còn đi vận động mạnh thường quân cùng chung tay góp sức, góp lòng để chăm lo cho cuộc sống của những người nghèo, những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Vào một ngày cuối tháng 3, điện thoại của bà Trần Thị Vinh (Trưởng khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) liên tục tiếp nhận hơn 10 cuộc gọi chỉ trong 30 phút. Bà vừa nghe điện thoại vừa phân công công việc, điều phối người đến các điểm để phát thông tin tuyên truyền cho dân…
Hơn một tháng nay, từ sáng sớm, bà Vinh sẽ đi mua lương thực mang đến cho người cách ly, rồi đi phát tờ rơi tuyên truyền cho từng hộ dân, cùng nhân viên tổ y tế đến các điểm cần phải lấy mẫu xét nghiệm.
Chưa kể, trong ngày còn có vấn đề phát sinh như sụp hố ga, ống cống hư thì bà cũng phải trực tiếp hoặc phân công người xử lý cho dân. Chập tối, bà cũng chỉ kịp ăn vội bữa cơm rồi lại cầm xấp tờ rơi tuyên truyền, gõ cửa từng nhà dân để phát, dặn dò kỹ lưỡng về việc đảm bảo an toàn vệ sinh. Công việc của bà luôn kết thúc khi đồng hồ điểm 21 giờ 30 phút.
Nói về công việc trong thời điểm dịch COVID-19 này, bà Vinh kể nhiều người dân có tâm lý hoang mang, cứ thấy nhân viên y tế tới là nghĩ có chuyện không hay. Lúc đó, mình phải có mặt để trấn an, giải thích cho dân hiểu để họ an tâm.
Hay như khi mang thức ăn đến cho một người dân phải cách ly tại nhà, vì không thể ở lại đó 24/24 giờ nên bà nhờ người dân sống kế bên theo dõi giúp xem người này có đi đâu ra ngoài hay không. Người dân liền phản ứng rằng đó không phải là việc của dân.
Bà Vinh phải giải thích tường tận rằng, nếu người chưa đủ thời gian cách ly mà ra ngoài cũng nguy hiểm cho mọi người. Do vậy, cộng đồng cùng chung tay với nhau thì công tác chống dịch sẽ có hiệu quả hơn. Khi nghe như vậy, người dân đã vui vẻ nhận lời…
Ngoài những công việc hằng ngày đó, bà Vinh còn sắp xếp thời gian xuống tận nơi để thuyết phục chủ nhà trọ giảm giá cho người thuê. “Tôi cũng chỉ nói chuyện với họ bằng sự chân thành, bằng cái tâm thôi. Rồi cũng có người hiểu và cùng chung tay” - bà Vinh tâm sự.
“Mình là cán bộ, là chỗ dựa của dân, ít nhất là trong thời điểm này mà không làm thì người dân sẽ như thế nào. Họ sẽ an tâm hơn khi có anh em khu phố đến trò chuyện, động viên” - bà Vinh nói thêm.
Khi phóng viên hỏi rằng liệu bà có sợ khi trực tiếp đi mua thức ăn và mang đến tận nơi cho những người đang cách ly nếu chẳng may họ nhiễm bệnh, bà Vinh chỉ đáp vỏn vẹn: “Sợ thì từ đầu đã không làm”.
Khi phóng viên hỏi một vài tấm ảnh mà bà Mai Thị Lệ (47 tuổi, Trưởng khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cùng các thành viên khu phố hoạt động chống dịch trong thời gian qua, bà Lệ thiệt tình: “Nào giờ làm công tác khu phố, tôi không có thói quen chụp ảnh mà chỉ báo cáo qua tin nhắn với lãnh đạo phường”.
Nói về chặng đường oằn mình chống dịch ở cấp khu phố vừa qua, bà Lệ nhớ nhất những ngày nhận chỉ đạo của thành phố về việc đóng cửa hàng loạt nhà hàng, quán nhậu, phòng gym, tiệm tóc… vào hồi giữa tháng 3, rồi đến lệnh “cách ly toàn xã hội” của Thủ tướng. “Những ngày đó, cả khu phố chống dịch rộn ràng lắm. Những ngày đầu tôi đi ngày đi đêm để vận động, tuyên truyền cho bà con. Sau đó thì nhờ bà con quan sát, có gì bà con sẽ gọi điện thoại báo, điện thoại tôi luôn mở 24/24” - bà Lệ nói.
Bà Lệ cũng chia sẻ rằng mỗi khi có chủ trương mới về chống dịch, người dân lại lo lắng, gọi điện thoại liên tục cho trưởng khu phố hỏi “có thật không?”, “giờ làm sao”… Như trước ngày cách ly toàn xã hội, bà con khắp khu phố 6 vội ra chợ, siêu thị mua lương thực, thực phẩm về tích trữ. Khi đó, bà Lệ lại cùng lực lượng tản ra đi đến các nơi thuyết phục người dân bình tĩnh vì cách ly xã hội chứ không phải “ngăn sông cấm chợ” gì.
Theo bà Lệ, khi có lệnh cách ly toàn xã hội thì đối tượng hoang mang nhất, lo sợ nhất là người nghèo. Bởi mỗi ngày họ đi chợ chỉ mua được bó rau, con cá, ăn trong ngày hết, mai lại tính tiếp, gạo chỉ mua 1-2 kg để ăn. Chính vì thế khi hay tin, họ sợ chợ đóng cửa mới hoảng hốt đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ.
“Tôi chọn đi đến các hộ khó khăn, tâm sự tỉ tê như những người phụ nữ hằng ngày phải lo toan, chợ búa, miếng ăn cái mặc… rồi thuyết phục họ như những người thân trong nhà” - bà Lệ kể.
Giữa cơn sốt thực phẩm, bà Lệ lại vận động mạnh thường quân tặng các nhu yếu phẩm cho bà con nghèo. Tới tận nhà tặng quà, bà Lệ lại thủ thỉ, bảo: “Nhà nước sẽ không để bà con thiếu thốn lương thực đâu. Bà con cứ yên tâm ở nhà, hết gạo ăn thì cứ bảo tôi”.
Bà Lệ cũng chia sẻ thêm rằng việc giám sát cách ly là phần cực nhất trong công tác phòng, chống dịch ở khu phố. Bởi bên cạnh việc cử người thay phiên nhau canh 24/24 giờ ở trước các nhà có người nước ngoài về thì việc trấn an người dân cũng rất quan trọng.
Có đợt, một người quốc tịch Trung Quốc về địa bàn khu phố, bà con lo lắng gọi điện thoại báo cho bà… Bà Lệ liền rà danh sách người nước ngoài cách ly tại khu phố mà cán bộ y tế gửi thì không thấy trường hợp này. Bà tức tốc báo cơ quan y tế để cùng xuống dưới, hỏi ra mới biết trường hợp này đã cách ly 14 ngày ở một quận khác, giờ ghé qua thăm nhà người quen rồi lên máy bay đi luôn.
Mới đây, cán bộ y tế gọi điện thoại báo một số nhà có ca bệnh dương tính mới về. Lúc này bà Lệ mới hoảng tột độ, bà nhanh chóng gọi tổ dân phố đi xác minh, rà ra được là ca dương tính đó ngụ địa phương khác, còn đây là địa chỉ nhà cũ. Khi đó bà Lệ cùng các lực lượng mới giãn ra, thở phào nhẹ nhõm.
Sau những ngày căng thẳng đó, tình hình ở khu phố 6 giờ đã tạm ổn, bà con đã yên tâm cách ly xã hội. Dù vậy, bà Lệ vẫn không chủ quan mà cho loa phát tuyên truyền mỗi ngày. Ngày nào bà cũng tranh thủ một khoảng thời gian đi dạo bộ, “làm bà tám” trong khu phố. Hằng ngày bà đi vào các hẻm nhỏ, ghé từng nhà tỉ tê, kể lại những thông tin về dịch bệnh bà đọc trên báo, nghe trên tivi để tuyên truyền cho bà con an tâm ở nhà cách ly xã hội, chung tay vượt qua dịch bệnh.
Một ngày đầu tháng 4, ông Ngô Tiến Nhợ (51 tuổi, Trưởng khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) được báo tin ở khu phố có một trường hợp đi cùng chuyến bay với ca dương tính số 171.
Sau khi nghe xong, ông đã chuẩn bị những thứ cần thiết như khẩu trang, máy đo nhiệt độ… rồi đích thân sang nhà của trường hợp này. Lúc ông Nhợ sang báo tin, cả hai vợ chồng đều hoảng hốt. Ông Nhợ trấn an tinh thần hai vợ chồng rồi đo nhiệt độ cho các thành viên trong gia đình, đồng thời báo cho cán bộ y tế xuống lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng theo ông Nhợ, từ khi bắt đầu công tác phòng chống dịch, mỗi ngày của ông bắt đầu từ 6 giờ 30 phút tới 21 giờ với khẩu trang và máy đo nhiệt độ bên người. Bởi địa bàn của ông có nhiều người liên tục phải cách ly tại nhà nên công tác vất vả hơn nhiều.
“Nhớ nhất là có trường hợp từ nước ngoài về, khai báo địa chỉ ở khu phố. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến xác minh thì không chính xác. Phải hỏi thăm, dò la nhiều nơi, cuối cùng hết ngày mới tìm ra được địa chỉ của người này. Sau đó phải liên lạc với những người có liên quan để thực hiện quy trình giám sát, cách ly” - ông Nhợ kể tiếp.
Ông Nhợ cũng kể một câu chuyện về hai bà cháu lên nhờ ông làm giúp giấy khai tử cho người nhà mới mất. Trong lúc hướng dẫn ghi tờ khai và xác nhận vào đó để hai bà cháu lên phường làm các thủ tục tiếp theo, ông Nhợ hỏi gia cảnh rồi dặn dò hai bà cháu phải trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại đám tang, không để khách viếng lâu…
Ông Nhợ cho hay đám tiệc là chuyện nhạy cảm của mỗi nhà, nếu vận động không khéo thì sau này công tác ở khu phố sẽ khó khăn hơn. Nhớ hôm rồi, trên địa bàn khu phố có đám cưới đã lên lịch trước, ông Nhợ xuống vận động khiến gia đình bất ngờ nên không đồng ý vì thức ăn đã đặt sẵn, nhà nghỉ cho nhà trai cũng đã cọc tiền.
Ông Nhợ kiên nhẫn thuyết phục, gia đình năn nỉ xin giảm từ 25 bàn xuống còn năm bàn. Nghe gia cảnh thì rất thương nhưng nếu đồng ý thì khó mà biết được chuyện gì xảy ra nên ông thuyết phục gia đình chỉ để nhà trai tới rước dâu chứ không tổ chức tiệc.
Sau đó, ông Nhợ đích thân đưa người nhà gái đến nơi đặt thức ăn và nhà nghỉ để xin hủy. Ngay hôm tiệc cưới, ông đến đo nhiệt độ cho hai họ, buộc đeo khẩu trang, đợi đến khi họ nhà trai rước dâu lên xe đi về mới thở phào nhẹ nhõm.
Ông trải lòng với người cha của cô dâu, chú rể: “Chú thông cảm, tại dịch bệnh nguy hiểm. Chứ để hai cháu đám cưới trong hoàn cảnh thế này, tôi cũng rất áy náy. Nhưng chủ trương đã có, mình cùng nhau phòng, chống dịch nên tôi không thể làm khác hơn”. May sao, họ hàng hai bên đều vui vẻ, cảm thông cho ông trưởng khu phố tận tình.
Ông Nhợ chia sẻ rằng công tác giám sát các hộ cách ly tưởng đơn giản nhưng thực tế không phải. Chỉ cần 1 phút lơ là mà để người cách ly ra bên ngoài hoặc tiếp xúc với người bên ngoài thì hậu quả khó lường.
Những ngày phòng chống dịch, khi chúng tôi hỏi rằng khu phố có cực không, ông Ngô Tiến Nhợ bảo: Cực chứ nhưng cực cái tâm hơn. Từ hồi mới phát dịch, nhiều đêm ông suy nghĩ khu phố vừa có 25 hộ thoát nghèo, bây giờ không buôn bán được, không đi làm được thì họ sống thế nào? Hay người dân mua không được khẩu trang thì mình kiếm khẩu trang cho dân ở đâu? Xin mạnh thường quân chỗ nào? Xin làm sao để họ hỗ trợ?...
Sáng ra, ông gọi điện thoại ngay cho những người bạn của mình để… xin trước, thủ thỉ: “Bạn già ơi, bạn ủng hộ tôi một ít để mua khẩu trang, mì tôm, gạo cho dân nhen”. Quyên góp được bao nhiêu ông lại dùng mua khẩu trang và một số nhu yếu phẩm tặng cho dân. Khi nhìn người dân hạnh phúc nhận những món quà thiết yếu trong lúc khó khăn, ông cười hiền bảo: “Thấy người dân vui mà tôi sướng lắm!”.