Tháng 6-2016, ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines và phát động chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Kể từ thời điểm đó, một nhóm các PV, nhiếp ảnh gia và nhà quay phim Philippines đã luôn túc trực ở “tiền tuyến” cuộc chiến đẫm máu này. Họ như trở thành những PV chiến trường rất khác thường, trong một cuộc chiến cũng thật khác thường tại Philippines - cuộc chiến chống ma túy.
Khung giờ ác mộng
“Ca đêm” là cách nhóm PV này đặt tên cho khung giờ làm việc của họ, từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Đây chính là khung giờ ác mộng của các PV khi các tin báo phát hiện người chết liên quan đến chiến dịch chống ma túy cứ liên tục đổ về đồn cảnh sát trung tâm TP Manila, nơi mà nhóm các nhà báo này “đóng quân” hằng đêm. Thi thể các nạn nhân thường được phát hiện ở bên vệ đường các khu ổ chuột nghèo nhất và tồi tàn nhất tại TP Manila. Một số thi thể được phát hiện trong tư thế tay bị trói chặt sau lưng còn đầu bị trùm kín - một kiểu như hành hình để gửi thông điệp đến các phần tử tội phạm ma túy chưa chịu đầu thú.
Những ca trực ám ảnh này đã ăn sâu vào tâm trí các nhà báo Philippines, tạo nên những ký ức dữ dội và sâu sắc, luôn làm họ xúc động mỗi khi nhắc đến. PV ảnh Raffy Lerma, tờ Daily Inquirer (Philippines), bắt đầu gia nhập nhóm PV hiện trường tại Manila vào tuần thứ hai của tháng 7-2016. Anh không bao giờ quên được đêm trực kinh hoàng thứ hai của mình khi nhóm PV theo chân cảnh sát đến hiện trường một vụ án mạng không nằm trong phạm vi chiến dịch chính quy của lực lượng chống ma túy. “Tôi vô tình ngắm ống kính cận mặt nạn nhân… Tôi đã thật sự kinh hoàng vì có thể cảm nhận rõ giây phút cuối cùng của người đó” - Lerma kể lại cho tờ The Atlantic. “Cảm giác ấy rất rõ. Kể từ ngày đó tôi không bao giờ chụp một bức ảnh tương tự nữa. Với mọi vụ án tương tự, tôi không bao giờ nhìn vào gương mặt các nạn nhân”.
Eloisa Lopez, nữ nhiếp ảnh gia tự do, cũng có thời gian không thể nào rũ bỏ được những hình ảnh kinh hoàng mà cô nhìn thấy trong đêm đầu tiên tác nghiệp cùng đàn anh Raffy Lerma. Mới 20 tuổi, cô trở thành người trẻ nhất từng tham gia một “ca đêm” của nhóm PV Manila với khao khát được “thử lửa”. Vụ án đầu tiên cô tham gia là một vụ xả súng nặc danh có năm nạn nhân. Cô và các đồng nghiệp bất ngờ phát hiện một phụ nữ còn thoi thóp và báo cho cảnh sát đưa đến bệnh viện. “Thật ra đêm đó tôi vẫn ổn. Chỉ đến những ngày sau, những hình ảnh đó mới bắt đầu ám ảnh và khiến tôi cảm thấy kỳ lạ. Hình ảnh các nạn nhân cứ hiện lên. Tôi thấy rõ gương mặt họ và những vũng máu. Tôi thậm chí không dám ngủ khi tắt đèn. Bóng tối nhắc tôi nhớ về hiện trường vụ án” - Lopez kể lại đầy ám ảnh.
Jennelyn Olayres đang ôm thi thể người bạn đời Michael Siaron trong vòng tay, ngồi giữa khu vực được cảnh sát phong tỏa với ánh mắt tuyệt vọng. Ảnh: DAILY INQUIRER
Hiện trường một vụ án mạng có liên quan đến ma túy trên đường phố Philippines. Ảnh: THE ATLANTIC
Những tâm hồn già cỗi
PV ảnh Dondi Tawatao trả lời phỏng vấn của tờ The Atlantic: “Tôi thấy cứ như mình đã già đi rất nhiều, như tâm hồn tôi dần trở nên cằn cỗi. Nhưng tôi cũng cảm thấy mình giờ đây đã mạnh mẽ hơn nhiều bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến những điều kinh khủng nhất. Còn thứ gì kinh khủng hơn mà tôi chưa từng thấy nữa chứ”. Tawatao là một PV ảnh của hãng tin Getty Images, tác nghiệp tại Philippines. Anh cho biết số người thiệt mạng trong các chiến dịch càn quét tội phạm ma túy và cả những vụ án mạng nằm trong diện “đang điều tra” tăng chóng mặt chỉ sau hai tuần đầu tiên chính quyền Tổng thống Duterte phát động chiến dịch. “Ban đầu là khoảng ba người thiệt mạng mỗi đêm. Rồi số người có khi đến 12 hay nhiều hơn nữa một đêm” - Tawatao kể lại. “Khi con số thiệt mạng đã quá 2.000, tôi cũng chẳng còn muốn đếm nữa”.
Đêm 23-7-2016, các PV ca đêm chạy đến khu Pasay phía nam TP Manila để ghi nhận một vụ án mạng “nặc danh” khác. Tại hiện trường, cô Jennelyn Olayres đang ôm thi thể người bạn đời Michael Siaron trong vòng tay, ngồi giữa khu vực được cảnh sát phong tỏa với ánh mắt tuyệt vọng. Raffy Lerma đã vội ghi lại hình ảnh chấn động này và đăng lên trang nhất tờ Daily Inquirer số báo hôm sau. Bức ảnh của anh đã gây chấn động trong dư luận Philippines và cộng đồng quốc tế. Nhưng với người PV ảnh dày dạn kinh nghiệm đó, thứ ám ảnh nhất không phải là bức ảnh mà là tiếng gào thét cầu xin giúp đỡ của Olayres.
“Tôi cảm thấy chúng tôi không khác gì thú dữ. Cô ấy gào thét: “Giúp chúng tôi với. Làm ơn đưa anh ấy đến bệnh viện”. Còn chúng tôi thì cứ bấm máy và bấm máy” - Lerma kể lại với tờ The Atlantic. “Là những PV ảnh, chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những bức ảnh có tác động lớn. Thật đau đớn nhưng chúng tôi cần phải biết chớp lấy thời cơ đó…”. Khi Lerma và các đồng nghiệp của anh lên xe trở về đồn cảnh sát, ai cũng cảm thấy nặng nề. Một nhiếp ảnh gia quay sang bảo với Raffy Lerma rằng anh ta không muốn làm công việc này nữa: “Đủ quá rồi. Tôi không muốn chụp nữa”.
Không thể ngừng bước
Kinh hoàng và ám ảnh là thế nhưng những PV tác nghiệp “ca đêm” trên đường phố Manila vẫn không thể cho phép mình ngừng bước. Họ bị thôi thúc bởi ý thức trách nhiệm phải truyền tải đến công chúng trong nước và quốc tế cái nhìn chân thật nhất, thậm chí là thô sần và đau đớn về những gì diễn ra hằng đêm trên đường phố Manila trong cuộc chiến chống ma túy nhiều tranh cãi.
Những người vô tội thiệt mạng vì đạn lạc hay các vụ xả súng nặc danh chỉ là một bộ phận trong bức tranh tổng thể cuộc chiến chống ma túy tại Philippines. Danh sách vụ án mạng cũng bao gồm không ít những tội phạm ma túy táo bạo, những kẻ cưỡng hiếp và trộm cắp với tiền án, tiền sự dày đặc. Những thông tin này cũng được các PV “ca đêm” ghi nhận hằng ngày trên đường phố Manila. Họ chứng kiến những thân phận - cả người vô tội và kẻ xấu - và góp phần mang đến cái nhìn tổng quan chân thật nhất về một cuộc chiến khác thường và đẫm máu diễn ra hằng ngày tại Philippines.
Trả lời phỏng vấn của tờ The Atlantic, PV ảnh Tawatao chia sẻ: “Đôi lúc tôi ước những phóng sự ảnh của mình không như thế này nhưng không thể thay đổi bản chất của chúng. Những câu chuyện thật cần được kể. Người ta cần thấy được những gì thật sự đang xảy ra. Khi ghi lại hình ảnh của cuộc chiến ma túy, tôi tiếp cận rất trực diện: Thế giới cần thấy được những gì diễn ra tại Manila về đêm, khi mọi người đã ngủ say”.
Theo tờ The Atlantic, trong gần 7.000 người thiệt mạng có liên quan đến cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte phát động, phần đông là những người nghèo và bị các cơ quan điều tra nghi là đối tượng buôn bán ma túy cỡ nhỏ trên đường phố, hoặc là những con nghiện loại ma túy tổng hợp mang tên shabu vẫn chưa chịu tự nguyện đi cai nghiện. Nhiều đối tượng bị bắn hạ trong các chiến dịch càn quét tội phạm ma túy của cảnh sát ở các khu ổ chuột. Một số nạn nhân bị bắn hạ bởi các nhóm “dân quân nặc danh”, bị cáo buộc chống lưng bởi cảnh sát và được phép bắn chết nghi phạm mà không qua xét xử. Những cáo buộc này vẫn không có bằng chứng thuyết phục. Ông Duterte và chính quyền Manila luôn mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc cho rằng cảnh sát và chính phủ ngó lơ, cho phép các “biệt đội tử thần” hạ sát nghi phạm ma túy không cần qua xét xử. Manila chỉ trích các cáo buộc nhắm vào chiến dịch chống ma túy là vô căn cứ và bịa đặt. Vào ngày 30-1-2017, ông Duterte đã tuyên bố tạm dừng chiến dịch truy quét tội phạm ma túy sau vụ bê bối một số cảnh sát “bẩn” bắt cóc và giết hại doanh nhân Hàn Quốc Ji Ick-joo ngay tại đồn cảnh sát. Số người thiệt mạng có dấu hiệu dính líu đến chiến dịch chống ma túy giảm rõ rệt. Tuần qua, Manila tuyên bố tái khởi động chiến dịch chống tội phạm ma túy. |