Giết cựu lãnh đạo Gadhafi là một trong 3 viễn cảnh được bàn tới tại cuộc họp ở Nhà Trắng, 24 giờ trước cái chết của ông Gadhafi.
Chưa đầy 24 giờ sau, Đại tá Gadhafi đã chết, sau khi bị kéo ra từ cống nước. Ông bị chết vì những vết đạn ở đầu và bụng. Giới chức Libya hiện đã cam kết tiến hành điều tra về cái chết của cựu lãnh đạo.
Nhưng phiên họp tại Nhà Trắng, một phần trong “phép giải” đối với tương lai của Libya, và một cuộc họp hai ngày trước đó giữa các lãnh đạo lâm thời Libya và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton minh chứng cho sự nhạy cảm của vấn đề và mâu thuẫn nhen nhóm ở cả hai bên.
Theo giới chức Mỹ, đã có chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của Libya, về cách “xử lý” đối với Đại tá Gadhafi. Một số cho rằng ông nên bị xét xử ở trong nước; số khác đánh giá sẽ là quá nặng cho chính quyền lâm thời khi còn phải đối phó với quá nhiều vấn đề khác.
Mâu thuẫn cũng được phản chiếu ở phía Mỹ, với một số trong chính quyền Obama lo ngại Libya không có đủ nguồn lực để tiến hành một phiên tòa đúng nghĩa, trong khi số khác lo ngại nếu gây áp lực đối với người Libya, buộc họ phải đưa ông Gadhafi lên tòa án hình sự quốc tế ở The Hague,nhiều người sẽ xem đó như là sự vi phạm đến chủ quyền của họ.
“Câu hỏi nhạy cảm là làm thế nào cân bằng được chủ quyền của Libya với đánh giá thực sự về khả năng tổ chức một phiên tòa công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế”, một quan chức cấp cao của chính quyền Obama, yêu cầu được giấu tên, cho biết. “Chúng tôi đã cố gắng trung hòa ở giữa”.
Giới chức Mỹ cũng cho hay, Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra các lựa chọn cho Libya, giải thích các thủ tục, quy tắc đằng sau Tòa án hình sự quốc tế, mà Mỹ không tham gia nhưng đã phối hợp chặt chẽ hơn dưới thời Tổng thống Obama. Bà nói với giới chức Libya rằng quyết định tổ chức phiên tòa ở đâu là phụ thuộc vào họ.
Mỹ dự kiến đề nghị giúp đỡ người Libya về pháp lý, để có thể tổ chức một phiên tòa theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Mỹ cũng lên kế hoạch phản ứng trong trường hợp Đại tá Gadhafi được một nước thứ ba cho lánh nạn, như Chad hay Guinea Xích Đạo.
Chính quyền Obama đã rút bài học từ các trường hợp trong quá khứ, như Charles Taylor, cựu lãnh đạo Liberia bị cáo buộc phạm tội chiến tranh, người đã bị đưa trở lại Liberia từ Nigeria, nơi ông trốn sang và đã bị xét xử tại The Hague; Laurent Gbagbo, lãnh đạo bị lật đổ của Bờ Biển Ngà, hiện đang chờ xét xử tại nước này.
Đưa cựu lãnh đạo Libya Gadhafi ra xét xử, hoặc ở Libya hoặc ở The Hague, là một trong những tình huống lớn mà chính quyền Obama lên kế hoạch. Ngoài ra, còn có các tình huống khác như đảm bảo an toàn cho số vũ khí hóa học, tên lửa phòng không di động và ngăn chặn một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra nếu đại tá Gadhafi bỏ độc nguồn nước ở Tripoli.
Derek Chollet, giám đốc cấp cao về kế hoạch chiến lược của Hội đồng an ninh quốc gia, người điều hành lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng, miêu tả thách thức là “cố gắng dự đoán mọi điều, xem xét từng ngóc ngách có thể”.
Rất nhiều vấn đề giống với trường hợp hậu Saddam Hussein ở Iraq. Và chính quyền Obama nóng lòng có cách tiếp cận khác hẳn với chính quyền Bush, chính quyền đã để thiếu một kế hoạch cho hậu quả của việc lật đổ Hussein, như tình trạng cướp phá và tình trạng vô chính phủ.
Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon đã sắp xếp các cuộc họp về kế hoạch từ hồi tháng 3, chính là tháng Obama quyết định sẽ đóng góp hạn chế đối với chiến dịch không kích của NATO nhằm ủng hộ phe nổi dậy.
Nhóm bao gồm các quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác, chia thành các nhóm nhỏ hơn, tập trung vào các vấn đề cụ thể, như tình trạng cướp tên lửa phòng không, loại tên lửa có thể dùng để bắn hạ máy bay dân sự từ các boongke do quân nổi dậy chiếm giữ.
Khi lực lượng phản đối Gadhafi tiến vào thủ đô hồi cuối tháng 8, ông Chollet cho biết, nhóm đã đưa ra 10 lựa chọn mà Tổng thống cần phải quyết định. Mặc dù ông Obama bị chỉ trích vì chiến dịch kéo dài tại Libya, song giới chức trách cho rằng đặt kế hoạch cho mọi tình huống là cần thiết.
Cũng theo họ, giết đại tá Gadhafi là một trong 3 viễn cảnh được xem xét vào thứ tư tuần trước.
Theo Phan Anh (Dân trí / NYTimes)