Ngày Ba đứng trước nguy cơ phải vào tù, tôi chỉ là một đứa trẻ chẳng hiểu chuyện. Khoảnh khắc Ba tôi đóng cửa nhà lại, không tiếp xúc với bất kì ai sau những biến động, nước mắt Mẹ lăn dài trên má mãi đến tận sau này...
Ngày bước chân vào Sài Gòn, hành trang mà tôi mang theo, chẳng có gì ngoài “Cuốn sách cuộc đời” mà tôi tự đặt tên, tự cất giữ cho riêng mình… Cuốn sách đó, là những thăng trầm mà Ba Mẹ tôi đã trải qua để tôi có thể vững tin bước vào đời. Tôi trưởng thành từ chính cuộc đời đầy đau thương của Ba Mẹ.
“Hãy học cách tha thứ”- đó là bài học đầu tiên mà tôi được dạy. Cả Ba và Mẹ đều không phải là những người thích thể hiện bằng lời nói nhưng cách sống của họ đã có ảnh hưởng đến đứa con như tôi. Lắm lúc tôi nghĩ Con Người thật xấu xa, dối trá và ích kỉ, những gì mà gia đình tôi phải trải qua thực sự là những ngày đen tối. Bão tố cứ như chờ chực nuốt chửng chúng tôi, lọt thỏm giữa khoảng không vũ trụ. Những lời nói ghanh ghét, đố kị, những lời bịa đặt, nói không thành có, những lời chửi mắng, chì chiết lẫn nhau, cả những lần “ăn vạ” vô cớ, những lần khiến gia đình tôi như rơi xuống địa ngục…Vậy mà sau những gì họ đã làm, Ba Mẹ tôi vẫn có thể mỉm cười, vẫn có thể tha thứ cho họ. Ba đã bảo rằng: “Sống mà không tha thứ cũng là một cái tội”. Đứa trẻ như tôi ngày đó chẳng thể hiểu hết những gì Ba nói, nhưng sau này khi đã bước vào đời, trải qua những yêu thương lẫn đắng cay, tôi mới nhận thức được rõ hơn những lời dạy của Ba.
“Khi yêu, hãy yêu một cách chân thành nhất, không xét nét, không so sánh”. Đối với mẹ tôi, yêu là phải chấp nhận mọi thứ đang tồn tại trong con người của đối phương dù điều đó tốt hay không tốt. Mẹ, đã yêu và thương bằng chính con tim, chính sự nồng hậu. Vì thương- Mẹ chấp nhận và bỏ qua những sai lầm mà Ba mắc phải, cho Ba một cơ hội để sửa đổi, vì thương- Mẹ bỏ qua cái tôi vị kỉ tồn tại trong mỗi con người để chấp nhận cùng Ba làm lại từ đầu, vì thương-Mẹ cũng đã bỏ ngoài tai những lời nói, những hành động làm Mẹ tổn thương, và cũng vì thương mà Mẹ đã hy sinh, đã âm thầm chịu đựng những tủi nhục, đi qua những tháng năm dài, sống chung cùng với nước mắt. Ở Mẹ, tôi học được nhiều điều và nhận ra rằng: “Khóc không có nghĩa là yếu đuối”. Đằng sau những giọt nước mắt là cả một nghị lực sống mạnh mẽ, luôn khát khao thay đổi và làm lại mọi thứ đã đổ vỡ, hàn gắn những vết thương cho Ba và cho cả tôi.
Cuộc sống là vậy, đôi khi lượm lặt những thứ mà người khác vứt đi hay vô tình bỏ quên lại giúp ta nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, giúp mỗi người sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời này, với tình cảm mà mình đã chọn lựa. Riêng tôi, những nhọc nhằn mà Ba Mẹ đã và đang trải qua, là những bài học giá trị nhất về cuộc đời này.
Một mùa Vu Lan nữa lại đến, chỉ mong rằng Ba Mẹ vẫn an lành…