Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các tranh chấp hàng hải ở Đông Á, và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu thông qua sáng kiến như Vành đai, Con đường (BRI) đã cho thấy rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu của mình trong thế kỷ Châu Á.
Câu hỏi đặt ra là liệu cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ diễn ra như thế nào, và liệu quá trình này sẽ tạo ra các dư chấn nào?
Trung Quốc mới đây đã thành công trong việc tiếp cận với Ý trong việc phát triển sáng kiến Vành đai, Con đường. Ảnh: Reuters
Mỹ-Trung và tư duy cường quốc toàn cầu
Lịch sử của cường quốc toàn cầu, cũng như quá trình chuyển giao quyền lực giữa các cường quốc đó từ thế kỷ 16 cho tới nay, mang hai đặc trưng cơ bản.
Thứ nhất, một quốc gia muốn trở thành cường quốc toàn cầu đều có khả năng tận dụng và thống trị mặt biển. Tận dụng mặt biển để phát triển các ngành công nghiệp hàng hải và thương mại; và thống trị mặt biển bằng hải quân để bảo vệ sự thịnh vượng có được tới từ việc tận dụng đại dương.
Thứ hai, quá trình chuyển giao quyền lực giữa các cường quốc thường mang tính chất bạo lực. Chiến tranh và các chính sách trọng thương được sử dụng để gia tăng sức mạnh quốc gia và hạ thấp sức mạnh của đối thủ.
Các học giả theo chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế đã khái quát hoá đặc trưng này thông qua thuyết “chuyển giao quyền lực”. Theo đó, vị trí của một cường quốc nguyên trạng trong hệ thống chắc chắn sẽ bị đe doạ bởi một cường quốc xét lại, một khi quyền lực của cả hai tiến tới trạng thái cân bằng.
Ở Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc được nhiều học giả xem như là một cường quốc xét lại. Nghĩa là Bắc Kinh muốn “thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực hiện hành, tái định hình chiến lược và các thể chế an ninh, chính trị khu vực hiện tại, xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực, và khao khát đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực”, theo nhận định của một số chuyên gia.
Trong khi đó, cường quốc nguyên trạng như Mỹ đang chứng kiến ảnh hưởng của mình bị suy giảm ở khu vực. Các cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Iraq và Afghanistan trong những năm 2000, cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo những năm 2010, đối đầu Mỹ-Nga ở Châu Âu, hay khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã cho Bắc Kinh cảm giác rằng cán cân quyền lực ở khu vực đang thay đổi. Đã đến lúc kết thúc “giấu mình chờ thời” và tiến hành “phục hưng dân tộc Trung Quốc”.
Trung Quốc còn là một cường quốc xét lại đặc biệt. Trong suốt 2000 năm qua, người Trung Quốc xem bản thân cộng đồng của họ như là một nền văn minh hơn là một quốc gia, dân tộc theo định nghĩa hiện đại. Bản sắc Trung Hoa được định hình dựa vào những giá trị phát triển và tiến hoá trong suốt chiều dài lịch sử, trong đó có các giá trị về vị thế quốc gia trong mối quan hệ với các quốc gia láng giềng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang định hình dần cục diện khu vực. Ảnh: Eric Chow
"Đồng thuận Washington" vẫn hấp dẫn hơn
Quá trình chuyển giao quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra, thể hiện qua mấy cuộc cạnh tranh lớn. Thứ nhất là về mặt kinh tế và thương mại, thể hiện qua cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Donald Trump đã phát động nhằm vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ẩn tàng trong cuộc cạnh tranh thứ nhất này là một cuộc cạnh tranh thứ hai vô cùng quan trọng: cạnh tranh về mặt công nghệ. Quốc gia nào dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ trở thành quốc gia dẫn dắt thế giới trong thế kỷ 21.
Trung Quốc đã bắt đầu đạt được nhiều tiến bộ hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, máy học, lượng tử, công nghệ 5G hay hàng không vũ trụ. Dĩ nhiên, điều này ảnh hưởng tới vị thế lãnh đạo của Mỹ về mặt công nghệ.
Thứ ba là cạnh tranh về mặt quốc phòng. Trung Quốc rõ ràng muốn lấy lại vị thế vốn có của mình, trước hết là tại khu vực vốn được nước này cho là “sân nhà truyền thống”: khu vực Đông Á. Vấn đề Đài Loan, hay các tranh chấp lãnh hải đang ngày trở nên nóng bỏng đại diện cho quan điểm không thể thoả hiệp của Trung Quốc về toàn vẹn lãnh thổ và về không gian phát triển truyền thống.
Không thể không kể đến nỗ lực vươn ra thế giới của quân đội Trung Quốc với căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, cũng như quá trình hiện đại hoá quân đội mạnh mẽ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thứ tư là cạnh tranh về mặt xây dựng thể chế. Có thể chia làm hai dạng thể chế bao gồm “cứng” và “mềm”. Và về mặt này thì Mỹ đang có ưu thế rất lớn.
“Đồng thuận Washington” được thiết lập sau Thế chiến thứ hai với hệ thống tài chính quốc tế Bretton Woods xoay quanh các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay WTO đã định hình thương mại toàn cầu trong suốt hơn bảy thập kỷ qua. Chưa kể tới hệ thống đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp toàn cầu, một đặc trưng mà Trung Quốc không thể cạnh tranh.
Cố gắng của Bắc Kinh trong việc triển khai đại dự án BRI là nhằm nỗ lực xây dựng một hệ thống thể chế có khả năng cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, “Đồng thuận Washington” còn có một đặc trưng khác: Các giá trị Mỹ về mặt tư duy chính trị và sức ảnh hưởng văn hoá vốn đã tạo ra một sức hút không thể chối cãi trên toàn cầu. Đây là một yếu tố Trung Quốc trong hiện tại chưa đủ sức cạnh tranh.
Tư duy đối ngoại Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố văn minh Trung Hoa. Các đặc tính văn minh này một phần tạo ra sức hấp dẫn về văn hoá rất lớn, nhưng mặt khác nếu bị tận dụng thái quá sẽ tạo ra hiệu ứng ngược đối với hình ảnh Trung Quốc trong mắt bạn bè quốc tế.
(*) Ông Nguyễn Thế Phương là Nghiên cứu viên Cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Năm 2018, ông Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp cao học tại Cộng hòa Liên Bang Đức.