“Sư tử” Hà Nội bị loại sau trận lượt về hòa 0-0 với B. Bình Dương khiến hai đại diện ở chung kết cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có nhiều hy vọng hơn.
Công đầu trong việc loại được đội bóng hùng mạnh là Hà Nội phải kể đến thầy trò HLV Trần Minh Chiến nhưng chính việc căng sức để có tỉ số hòa 0-0 (lượt đi hòa Hà Nội 3-3 trên sân Hàng Đẫy) khiến B. Bình Dương vừa mất sức vừa thiệt quân.
Tại V-League, FLC Thanh Hóa (hạng nhì) có thành tích cao hơn B. Bình Dương (hạng bảy) đến năm bậc nhưng điều đấy không nói lên nhiều về khả năng chiến thắng chiều 15-10 trên sân Tam Kỳ (VTV6 trực tiếp 17 giờ). Sự chênh lệch theo quân số và lực lượng chỉ có thể thấy rõ qua việc B. Bình Dương mất “người nhện” Tấn Trường. Đây là thủ môn có tầm ảnh hưởng lớn đến thành tích của B. Bình Dương, đặc biệt khi vô hiệu hóa các chân sút mạnh của Hà Nội.
FLC Thanh Hóa (trái) hay B. Bình Dương sẽ đăng quang? Ảnh: HUY PHẠM
Tại bán kết, nếu FLC Thanh Hóa từng lật ngược thế cờ đến kinh ngạc trước SL Nghệ An ở bán kết thì B. Bình Dương lại cho thấy họ là một tập thể trẻ rất lì lợm dưới dự dẫn dắt của cựu tuyển thủ Việt Nam Lê Tấn Tài.
FLC Thanh Hóa tại giải V-League có sự khởi đầu chệch choạc lại lủng củng nội bộ nhưng kể từ khi HLV Nguyễn Đức Thắng về dẫn dắt thì đội đã có sự thay đổi lớn và liên tục leo dốc vượt cạn rồi duy trì trong tốp 5 và có cuộc bứt phá ngoạn mục để hạ cánh ở vị trí thứ nhì V-League.
Hai mùa V-League liền được đầu tư rất tốt nhưng chỉ về nhì, FLC Thanh Hóa khao khát chiếc cúp vô địch trong trận chung kết Cúp Quốc gia này hơn ai hết. Họ đủ người, đủ lực và đủ cả độ quái để biến những mục tiêu chưa thực hiện ở V-League thành cú vớt ở Cúp Quốc gia.
Trong khi đó, B. Bình Dương vào đầu giải không có mục tiêu cao do đang trong quá trình trẻ hóa mạnh dưới tay HLV Trần Minh Chiến nhưng vị trí thứ bảy bởi một lực lượng trẻ với nhiều cầu thủ mới được thử lửa là thành công không nhỏ.
Trong trận đấu cuối mùa giải và chỉ cách chiếc cúp vô địch một bước chân, B. Bình Dương ngoài việc không có thủ môn đội trưởng Tấn Trường, họ còn khó khăn bởi khả năng hồi phục ngắn hơn rất nhiều so với FLC Thanh Hóa kết thúc sớm trận lượt về bán kết rồi ngồi chờ đối thủ của mình.
Đây là trận chung kết của hai tướng trẻ Trần Minh Chiến (B. Bình Dương) và Nguyễn Đức Thắng (FLC Thanh Hóa). Thời cầu thủ, Minh Chiến giàu cá tính hơn chơi ở vị trí tiền đạo và được nhắc đến hoài bởi bàn thắng vàng đưa Việt Nam lần đầu dự chung kết SEA Games. Nguyễn Đức Thắng thuộc mẫu cầu thủ trẻ sớm thành đạt ở Thể Công và chơi rất tròn vai ở CLB này lẫn đội tuyển. Khi bước sang nghiệp HLV, cả hai HLV trẻ này đều có những giai đoạn khác nhau. Minh Chiến từng là con chim đầu đàn ở lò PVF, rồi rời cái nôi đấy về với B. Bình Dương làm công tác trẻ hóa và thu hoạch ngay ở mùa bóng đầu. Nguyễn Đức Thắng từ lò Thể Công sang làm lính bầu Hiển dẫn dắt CLB Sài Gòn chơi rất cá tính thì bị nhổ ra và Đức Thắng được Thanh Hóa mời về lập tức tạo ngay dấu ấn.
Lợi thế nhiều cho FLC Thanh Hóa của HLV Đức Thắng nhưng B. Bình Dương của thầy trò Trần Minh Chiến lại là đội bóng không chịu khuất phục và biết chơi thứ bóng đá mưu mẹo để tìm thành tích.