Ngày 9-9, cựu thủ tướng Ý và là cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - ông Mario Draghi công bố báo cáo về khả năng cạnh tranh kinh tế của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), theo hãng tin DW.
“Chúng ta đã nói nhiều lần rằng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở châu Âu, nhưng cho đến hai năm trước, chúng ta vẫn phớt lờ điều đó vì [cho rằng] mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp” - theo ông Draghi.
Ông Draghi cảnh báo rằng không thể tiếp tục bỏ qua tính cấp bách của vấn đề vì “Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta trên thị trường toàn cầu” và EU đã mất “nhà cung cấp năng lượng giá rẻ chính” - đề cập nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
“Tình hình cấp bách đã đến mức mà nếu không hành động thì chúng ta sẽ phải chịu thiệt hại về phúc lợi, môi trường hoặc quyền tự do của mình. Đây là một thách thức mang tính sống còn cho EU" - ông Draghi cảnh báo.
Bản báo cáo kinh tế của cựu thủ tướng Ý trước hết khuyến nghị EU phải thu hẹp khoảng cách về khả năng đổi mới sáng tạo với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các công nghệ tiên tiến.
"EU đang yếu trong các công nghệ mới nổi, những công nghệ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Chỉ có 4 trong số 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là từ châu Âu" - cựu thủ tướng Ý nhấn mạnh.
Ông Draghi cũng đề ra “chính sách kinh tế đối ngoại của EU” nhằm theo đuổi chính sách ngoại giao với mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đảm bảo an ninh kinh tế và đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng.
Theo báo cáo của ông Draghi, châu Âu cần huy động ít nhất 750 đến 800 tỉ euro mỗi năm để theo kịp các đối thủ cạnh tranh.
Bình luận về bản báo cáo kinh tế của cựu thủ tướng Ý, một số chuyên gia hy vọng báo cáo sẽ truyền tải tính cấp bách của vấn đề tới Ủy ban châu Âu (EC).
“Bằng cách xác định điểm mạnh và điểm yếu, báo cáo cung cấp một bức tranh toàn diện và trung thực về những thách thức của EU trong những thập niên tới” - ông Filip Medunic, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR - Đức), cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tỏ ra hoài nghi hơn, với lý do là sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu, theo DW. Ông Jacob Funk Kirkegaard - một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels (Bỉ) - mô tả đây là một "thách thức chính trị".
“Có những đảng phái chính trị muốn có ít dự án chung hơn, nhiều quyết tâm quốc gia hơn, có những người muốn EU có ít tiếng nói hơn” - ông Kirkegaard lưu ý.