Cựu chủ tịch, phó chủ tịch Khánh Hòa khai gì tại tòa?

(PLO)- Trong phiên xét xử buổi chiều, HĐXX xét hỏi cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng vì sao giao đất cho Công ty Đỉnh Vàng không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vụ án sai phạm tại dự án 28E Trần Phú, VKSND tỉnh Khánh Hòa xác định bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương, ký cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án trái pháp luật trong việc cho doanh nghiệp thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate.

Cơ quan tố tụng còn cáo buộc ông Thắng cố ý làm trái quy định pháp luật, biến một dự án chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thành dự án được công nhận. Đồng thời, ông Thắng đã chỉ định Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn.

Làm trái chỉ chỉ đạo của Thủ tướng

Theo cáo trạng, khu đất 28E Trần Phú, TP Nha Trang có tổng diện tích 20.100 m2, gồm hai thửa liền kề do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng thuộc Tổng công ty điện lực Miền Trung quản lý, sử dụng.

Theo quy hoạch, khu đất này đất thuộc quy hoạch đất thương mại, dịch vụ là hơn 9.000 m2 (phần tiếp giáp đường Trần Phú, mật độ xây dựng từ 72-80%, tầng cao 8-10 tầng), đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở đô thị là hơn 8.000 m2 (phần phía sau, mật độ xây dựng 40-50%, tầng cao 2-3 tầng), đất thuộc khu vực quy hoạch giao thông là gần 3.000 m2.

Bị cáo.jpg
Cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng tại tòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Còn theo quy hoạch chung TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt, khu đô thị ven biển được phép xây dựng với mật độ khoảng 40% ưu tiên các hoạt động du lịch, dịch vụ, chiều cao xây dựng tối đa 40 tầng.

Ngày 2-1-2013, Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng) có văn bản gửi tỉnh Khánh Hòa xin thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp tại số 28E, tại khu đất hơn 14.000 m2 đang do Công ty CP điện lực Khánh Hòa quản lý, sử dụng.

Ngày 5-2-2013, UBND tỉnh có chỉ đạo Công ty CP điện lực Khánh Hòa sớm di dời “để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác đầu tư dự án phục vụ du lịch tại khu vực này".

Trước đó, Công ty CP điện lực Khánh Hòa đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị tổ chức cuộc họp để công ty báo cáo về nội dung xin đầu tư trên khu đất 28E Trần Phú.

Ngày 3-3-2014, Công ty Đỉnh Vàng có văn bản gửi UBND tỉnh xin mở rộng diện tích đầu tư dự án sang khu đất hơn 6.000 m2 đang do Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty điện lực Miền Trung thuê trả tiền hàng năm.

Một ngày sau, UBND tỉnh có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Chiến Thắng về việc đồng ý về chủ trương thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp cho Công ty Đỉnh Vàng tại 28E Trần Phú.

Ngày 9-3-2015, Công ty Đỉnh Vàng có công văn gửi UBND tỉnh xin bổ sung mục tiêu xây dựng căn hộ thương mại và được ông Nguyễn Chiến Thắng thống nhất phương án quy hoạch sử dụng đất với phần diện tích đất phía sau có thể quy hoạch xây dựng căn hộ để ở.

Ngày 4-5-2015, Công ty Đỉnh Vàng nộp hồ sơ xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh về tên dự án thành dự án Nha Trang Golden Gate; diện tích đất thực hiện dự án điều chỉnh hơn 20.000 m2; mục tiêu đầu tư điều chỉnh thành xây dựng khu tổ hợp khách sạn, thương mại, căn hộ du lịch cao cấp và khu căn hộ, trong đó có nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc cho thuê mua).

5-4144-7835.jpg
Bị cáo Đào Công Thiên. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ngày 24-6-2015, ông Nguyễn Chiến Thắng ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty Đỉnh Vàng. Trong đó, cho xây khu tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp tiêu chuẩn năm sao và khu căn hộ trong đó có nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc cho thuê mua.

Công ty Đỉnh Vàng sau đó có văn bản xin tỉnh Khánh Hòa xây dựng công trình từ 9 đến 56 tầng, mật độ xây dựng 48,8%.

Ngày 11-9-2015, ông Nguyễn Chiến Thắng ký báo cáo đề xuất Thủ tướng điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang theo hướng không khống chế chiều cao các công trình thuộc khu đô thị ven biển.

Văn phòng Chính phủ sau đó có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng không đồng ý việc này.

Dù không được Thủ tướng đồng ý, nhưng ngày 7-10-2015, ông Nguyễn Chiến Thắng vẫn ký công văn thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch đối với dự án Nha Trang Golden Gate với nội dung cho phép chiều cao của khối khách sạn mặt tiền đường Trần Phú đến 43 tầng, khối căn hộ thương mại phía sau đến 56 tầng trên khu đất hơn 20.000 m2, mật độ xây dựng toàn khu là 48,72%, quy mô 680 phòng khách sạn, 440 căn hộ du lịch và 3.240 căn hộ thương mại.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng: Lúc đó nghĩ không làm sai

Tòa hỏi vì sao quy hoạch chung TP Nha Trang không cho phép xây quá 40 tầng và dự án ở 28E vượt quá 2.500 căn hộ. Theo quy định cả hai phải được Thủ tướng cho phép, vì sao bị cáo vẫn không làm theo quy định?

Bị cáo Thắng phân trần đã xin ý kiến Thủ tướng cho điều chỉnh rồi, nhưng không được cho phép. “Còn việc có quy định dự án trên 2.500 căn hộ phải được Thủ tướng cho phép thì thời điểm đó bị cáo không nắm được. Sau này, khi nghỉ hưu và bị cơ quan điều tra mời lên làm việc mới biết về quy định này”, bị cáo Thắng trả lời tại tòa.

Khu đất 28E vẫn chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất cho Công ty điện lực, thì vẫn do UBND tỉnh quản lý. Trên thực tế, khi Công ty Đỉnh Vàng xin thỏa thuận địa điểm đầu tư ở khu đất 28E, thì Sở Xây dựng đã có ý kiến khu đất này có sự chồng lấn dự án với dự án đầu tư của Công ty điện lực. Còn Sở TN&MT đề xuất sẽ có ý kiến sau khi UBND tỉnh giải quyết xong việc sử dụng đất của Công điện lực.

_MG_6965.jpg
Cơ quan tố tụng cáo buộc các sai phạm của bốn bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 137,7 tỉ đồng. Ảnh: XUÂN HOÁT

"Vậy tại sao tỉnh không lưu tâm ý kiến các sở mà sốt sắng yêu cầu Công ty điện lực sớm di dời để để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác đầu tư dự án phục vụ du lịch tại khu vực?"- tòa hỏi.

Vấn đề này bị cáo Thắng không trả lời trực tiếp mà vòng vo khiến chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu tạm dừng.

Sau đó, tòa tiếp tục hỏi: Khi thu hồi đất, Sở TN&MT có ý kiến phải giao khu đất 28E (lúc này là đất sạch) cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Vì sao bị cáo không thực hiện để đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định mà giao thẳng cho Công ty Đỉnh Vàng?

Bị cáo Thắng trả lời dự án không phải tỉnh giao mà do doanh nghiệp (Công ty điện lực - NV) tự thỏa thuận nhà đầu tư trước đó.

“Trước khi Công ty Đỉnh Vàng xin dự án họ đã tự thỏa thuận với Công ty điện lực và chấp nhận chi trả tiền bồi thường với số tiền hơn 16 tỉ đồng và Tổng công ty điện lực Miền Trung số tiền hơn 12 tỉ đồng rồi. Do đó dự án không thuộc diện đấu thầu, đấu giá theo quy định”, bị cáo Thắng trình bày.

Tòa: Bản thân Công ty điện lực chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì họ có quyền gì tự thỏa thuận, tự mở thầu chọn nhà đầu tư không?

Bị cáo Thắng không trả lời trực tiếp mà lý giải lúc đó tỉnh chỉ biết là Công ty điện lực đã tự thỏa thuận địa điểm đầu tư, tự thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch nên khi Công ty Đỉnh Vàng có văn bản xin đề nghị, xin phép thì tỉnh đồng ý.

HĐXX tiếp tục truy vấn: "Theo bị cáo, đất lúc đó chưa phải đất sạch thì doanh nghiệp có quyền tự đứng ra thỏa thuận bồi thường, di dời hay trách nhiệm này phải do cơ quan nhà nước đảm nhận?"

“Vấn đề HĐXX hỏi liên quan đến Luật Đất đai, bị cáo chưa nắm rõ nên xin phép để tìm hiểu trả lời sau”, bị cáo Thắng trả lời.

Bị cáo Đào Công Thiên: Lúc ký giao đất mới làm phó chủ tịch 1,5 tháng

Sau bị cáo Thắng, HĐXX xét hỏi bị cáo Đào Công Thiên về sai phạm khi ký các quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.

cuu-chu-tich-3403-7677.jpg
Khu đất 28E cấp dự án cho Công ty Đỉnh Vàng có nhiều sai phạm. Ảnh: XUÂN HOÁT

"Bị cáo thấy cáo trạng truy tố mình oan không?"- HĐXX hỏi bị cáo Thiên.

Bị cáo Thiên cho biết thời điểm ký quyết định giao đất cho doanh nghiệp vào ngày 16-2-2016, khi đó mới nhận chức phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chưa đến 1,5 tháng.

“Bị cáo thừa nhận với HĐXX rằng rất mù mờ về luật đất đai vì trước đó chỉ làm chuyên ngành về thủy sản. Khi nhận chức phó chủ tịch tỉnh hơn một tháng bị cáo ký hai quyết định giao đất cùng một ngày ở dự án 28E và số 1 Trần Hưng Đạo.

Lúc đó mỗi ngày bị cáo ký hàng trăm giấy tờ nên không có thời gian nghiên cứu hết các tờ trình và các quy định liên quan. Bị cáo tin tưởng tuyệt đối vào các cơ quan tham mưu phía dưới nên họ trình lên bị cáo ký ngay”, bị cáo Thiên nói.

Ngày mai (12-123), phiên tòa tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm