Cựu giám đốc BV Mắt TP.HCM không bị cấm hành nghề sau khi chấp hành án xong

(PLO)- HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung, tạo điều kiện cho các bị cáo tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân sau khi chấp hành xong hình phạt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-12, TAND TP.HCM tuyên án vụ ông Nguyễn Minh Khải (cựu giám đốc BV Mắt TP.HCM) và bảy đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Không áp dụng hình phạt bổ sung

HĐXX tuyên phạt bị cáo Khải bảy năm tù; Võ Thị Chinh Nga (cựu phó giám đốc), Phí Duy Tiến (cựu phó giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (cựu trưởng Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức) cùng mức án ba năm tù; Phan Thị Bích Hạnh (cựu trưởng Phòng tài chính - kế toán) một năm sáu tháng tù.

Các bị cáo Nguyễn Đỗ Nguyên (cựu trưởng Khoa tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (cựu phó trưởng Khoa khám mắt), Nguyễn Trí Dũng (cựu phó giám đốc) cùng bị phạt 12 tháng bảy ngày tù, trả tự do cho các bị cáo tại phiên tòa nếu không phạm tội nào khác.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo bồi thường khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, vi phạm sự khách quan, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu, gây hậu quả kinh tế (thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng) và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân nên cần xử nghiêm. HĐXX có phân hóa vai trò tham gia của các bị cáo trong vụ án.

Bị cáo Khải là chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, mức án của bị cáo Khải phải cao hơn các đồng phạm. Quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, tại phiên xử có sự thay đổi nhận thức và tác động gia đình bồi thường. HĐXX xem xét giảm nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Các bị cáo khác cũng được HĐXX ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác y tế, tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình có công…

Đáng chú ý, HĐXX nhận định “các bị cáo là các bác sĩ chuyên gia hàng đầu nhãn khoa nói chung và BV Mắt nói riêng, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Các bị cáo phạm tội không động cơ vụ lợi cá nhân nên được ghi nhận giảm nhẹ cho tất cả bị cáo trong vụ án”.

Các bị cáo phạm tội vi phạm về đấu thầu, không liên quan đến hoạt động chuyên môn là hành nghề y, HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung. Đây là tạo điều kiện cho các bị cáo có thể quay lại với công việc của mình, tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân sau khi chấp hành xong hình phạt.

Các bị cáo nói lời sau cùng trong nước mắt

Trước đó, đối đáp với luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo, VKS cho rằng các bị cáo đã nhận thức rất rõ hành vi sai phạm của mình.

Với ý kiến của luật sư cho rằng bị cáo Khải không tác động trái pháp luật đối với hoạt động đấu thầu nên chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS không đồng tình.

Theo VKS, hồ sơ thể hiện có năm cuộc đối chất làm rõ hành vi của bị cáo Khải. Bị cáo Khải đã chỉ đạo, định hướng các bị cáo khác loại nhà thầu. “Nếu các bị cáo và đặc biệt là ông Khải muốn mang sản phẩm tốt cho bệnh nhân thì phải có tiêu chí phù hợp và đúng với quy định về Luật Đấu thầu” - VKS phản bác.

VKS cũng bày tỏ cơ quan điều tra và VKS rất tâm tư vì các bị cáo đều là bác sĩ giỏi nên không muốn làm tổn thương thêm những người đã nhận ra sai phạm để khắc phục, không muốn đi sâu thêm về các hành vi.

Nói lời sau cùng, bị cáo Khải xin lỗi gia đình. “20 năm qua, bản thân bị cáo đã làm được rất nhiều chương trình nhân đạo không chỉ trong nước mà còn ở Lào, Campuchia nhưng vụ việc hôm nay đã gây ra nỗi thất vọng lớn cho cha mẹ bị cáo” - ông Khải ngập ngừng.

Cựu giám đốc BV mắt cảm ơn HĐXX đã giúp bị cáo hiểu rõ hơn về cái sai của mình, trách nhiệm của mình. Từ đó, bị cáo nhận thức bản thân có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Ông Khải xin lỗi các thuộc cấp và mong HĐXX xem xét hình phạt nhẹ nhất cho đồng nghiệp và bản thân. “Cho họ có cơ hội về với gia đình, chăm sóc cha mẹ già, con nhỏ và tiếp tục phục vụ cho xã hội, ngành y tế” - ông Khải kết thúc.

Bị cáo Nguyễn Quốc Toản (cựu trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức) trình bày nếu tòa cho phép, bị cáo xin được góp thêm tiền khắc phục hậu quả cho các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn.

Bị cáo Võ Thị Chinh Nga (cựu phó giám đốc) cho biết gia đình dù khó khăn nhưng đã giúp bị cáo khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Bị cáo Phí Duy Tiến (cựu phó giám đốc) cho rằng các bị cáo đã phạm sai lầm hết sức đau xót. Khi bị bắt, quản giáo hỏi bác sĩ tại sao lại đi mua bán. Bị cáo rất khó trả lời bởi được đào tạo để cứu người chứ không phải đi mua bán. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh BV có rất nhiều khó khăn, giám đốc BV mới về, dù chỉ còn một năm nữa nghỉ hưu nhưng với tinh thần trách nhiệm của mình, bị cáo đồng ý tham gia vào hội đồng chấm thầu.

“Cũng có điều tra viên hỏi tôi có thân gì với giám đốc không để vào êkíp đấu thầu. Thật ra, đối với các bác sĩ, chẳng ai muốn làm gì ngoài chuyên môn. Chính vì chỉ muốn làm cho qua việc đấu thầu, thiếu sự tìm hiểu sâu sắc đã dẫn đến những sai sót. Tôi nhận thấy trách nhiệm của mình và rất ăn năn, hối lỗi” - bị cáo Tiến trình bày.

Các bị cáo khác đã khóc, thừa nhận sai phạm và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo nói trước khi vụ án xảy ra, chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, chưa từng tham gia đấu thầu, không nắm rõ Luật Đấu thầu nên để xảy ra sai sót dẫn đến phạm tội.

Gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng

Năm 2018, BV Mắt TP.HCM (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm hơn 53.000 thủy tinh thể nhân tạo. Khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, ông Nguyễn Minh Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu”. Từ đó, ông sử dụng Hội đồng đánh giá hàng mẫu loại bỏ nhà thầu theo ý muốn. Cáo trạng xác định ông Khải và các đồng phạm đã vi phạm hàng loạt nguyên tắc về đấu thầu gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm