Theo hãng tin Yonhap, cuộc hội đàm về cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên đã thu hút nhiều sự quan tâm sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu tháng này cho biết các hoạt động ngoại giao đã không thể kiềm chế được Triều Tiên và Mỹ đang cân nhắc một loạt lựa chọn mới, trong đó có giải pháp quân sự.
“Chúng ta nói mọi thứ đang được thảo luận là bởi vì về cơ bản không có lựa chọn nào được xem là tối ưu” - Christopher Hill, cựu trưởng phái đoàn Mỹ về đàm phán hạt nhân sáu bên, cho biết.
Nguyên trưởng phái đoàn hạt nhân Mỹ Christopher Hill. Ảnh: Yonhap
“Không có giải pháp quân sự nào tối ưu cả. Chúng ta đã thực hiện nhiều lệnh trừng phạt. Triều Tiên là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Nhưng đều không ăn thua. Chúng ta đã cố gắng thương lượng với họ nhưng cũng vô ích. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều có thể làm được là tạo sự hiểu biết nhiều hơn giữa Mỹ và Trung Quốc” - ông Hill nói.
Ông Hill bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ngày càng tồi tệ với tốc độ nhanh chóng từ Triều Tiên. “Trong nhiều năm qua, mối đe dọa từ Triều Tiên thực sự gia tăng… giờ đây chúng ta đang chứng kiến họ hiện đại hóa kho tên lửa và điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai gần… Triều Tiên sẽ phóng vũ khí hạt nhân. Và rồi câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ làm gì với điều đó” - ông nói.
Ông Hill, từng là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nêu ý kiến rằng tăng cường quốc phòng của Hàn Quốc cùng với thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc là cách tốt nhất để đối phó các đe dọa của Triều Tiên.
“Chúng ta sẽ phải tăng cường khả năng phòng vệ của Hàn Quốc và tôi nghĩ chúng ta sẽ phải thực sự làm việc nhiều hơn với Trung Quốc” - ông khẳng đinh.
Đề nghị này của ông cũng phù hợp với quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện bấy lâu. Chính quyền Trump xem đây là ưu tiên trọng tâm, muốn Bắc Kinh thực hiện đòn bẩy nhiều hơn khi là nhà cung cấp năng lượng và thực phẩm chủ yếu cho Triều Tiên để kiềm chế quốc gia này. Tổng thống Trump từ lâu nói rằng Triều Tiên chính là vấn đề mà Trung Quốc cần “chấn chỉnh”.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng cuối cùng của Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh lại miễn cưỡng sử dụng sức ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên Bình Nhưỡng vì lo ngại nếu “làm quá” sẽ gây bất ổn cho Triều Tiên và làm tổn hại các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng thường tăng cường sức ép lên Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng coi thường những chỉ trích của cộng đồng quốc tế và tiến hành thử tên lửa, hạt nhân cũng như các hành động khiêu khích khác. Dù vậy Bắc Kinh vẫn chưa bao giờ đi quá xa để giáng một “đòn đau” thực sự vào Triều Tiên.