Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng đe dọa một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Đây có khả năng cao chỉ là để gây áp lực lên Bắc Kinh, các chuyên gia phân tích nhận định.
Ông Tillerson đã tuyên bố trong chuyến thăm châu Á đầu tiên rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ đối với Triều Tiên đã kết thúc, rằng tất cả lựa chọn “đang được thảo luận” nhằm loại bỏ đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong đó, ông không loại bỏ khả năng hành động quân sự tấn công phủ đầu.
“Chúng tôi đã tìm kiếm hàng loạt các biện pháp an ninh và ngoại giao. Nếu họ gia tăng mối đe dọa bằng chương trình vũ khí hạt nhân tới một mức độ mà chúng tôi cho rằng cần phải có hành động đáp trả thì các lựa chọn quân sự là giải pháp” - Ngoại trưởng Tillerson nói khi thăm Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 19-3. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, trong một bài bình luận đăng hôm 18-3, tờ Tân Hoa xã giảm nhẹ các bình luận của ông Tillerson nói rằng việc Washington đe dọa tấn công quân sự “không có gì mới”.
“Những chiến thuật tương tự như vậy từng được sử dụng bởi người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump là George W.Bush nhưng thất bại” - Tân Hoa xã viết.
Một nhà phân tích người Mỹ cũng nêu ý kiến tương tự. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Viện Chính sách Mỹ, cho rằng lập trường trên của ông trùm dầu khí Mỹ xem ra không có gì khác so với lập trường của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong khi đó, Sun Xingjie, giáo sư về quan hệ quốc tế của ĐH Jilin, Trung Quốc, nhận định không có khả năng quân đội Mỹ sẽ khởi động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên trừ khi Washington chắc chắn được rằng lựa chọn này nhất định thành công.
“Bình luận của ông Tillerson đúng hơn là một chiến thuật nhằm gây áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc để nước này tận dụng hơn nữa ảnh hưởng của mình lên Triều Tiên” - Sun nói.
“Khả năng duy nhất Mỹ sẽ dùng vũ lực chống lại Triều Tiên đó là tìm sự đồng ý của Bắc Kinh nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đồng thuận” - Sun khẳng định.
Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau Trung Quốc - Triều Tiên vẫn còn giá trị cho tới năm 2021. Công ước này được ký lần đầu tiên vào năm 1961 và sau đó là năm 1981 và 2001. Hiệp ước quy định rằng một quốc gia phải đưa ra hành động quân sự và các biện pháp cần thiết khác ngay lập tức để phản đối các quốc gia khác hoặc liên minh quốc gia bất kỳ tấn công quốc gia còn lại. Vì thế, hiệp ước này vẫn khiến Trung Quốc lo ngại nếu Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên.
Theo chuyên gia Glaser, nếu tấn công, Mỹ sẽ nhắm vào mục tiêu rõ ràng, nơi mà họ tin rằng chứa bệ phóng tên lửa. “Tôi rất nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ vin vào hiệp ước trên” - bà nói. SCMP đánh giá hiệp ước này giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã hạn chế rủi ro các quốc gia khác mở cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong trường hợp Bình Nhưỡng khơi mào cuộc tấn công, Bắc Kinh không việc gì phải dính vào, theo Cai Jian, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên, thuộc ĐH Fudan, Trung Quốc.
“Lúc đó hiệp ước sẽ gây áp lực lên người Triều Tiên, cảnh báo họ không nên liều lĩnh” - bà cho biết.
Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Macau, nêu ý kiến rằng khi hiệp ước được nối lại lần cuối, Trung Quốc đã cảnh báo Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của chính mình. “Sẽ không có một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai” - Wong khẳng định.