Những nhãn hiệu lớn của Thuỵ Sĩ tuyệt vọng vì không thể nào cạnh tranh với nhân công giá thấp của châu Á (thời điểm ấy, Nhật tương tự như Trung Quốc ngày nay). Chỉ trong năm năm, thị phần đồng hồ Thuỵ Sĩ giảm từ 50% còn 15% và 3/4 trong số 100.000 nhân công làm việc trong ngành lâm vào nguy cơ thất nghiệp.
với 75 năm kinh nghiệm làm việc. Ảnh: Reuters
Chính thời điểm đó, các ngân hàng đã gõ cửa văn phòng tư vấn Hayek Engineering của ông chủ trẻ Nicolas Hayek để quyết định số phận của hai tập đoàn đang trong cơn “thập tử nhất sinh”, SSIH (chủ sở hữu của Omega, Tissot) và Asuag (gồm các hiệu Longines, Rado…). Ai cũng nghĩ với khoản nợ hàng trăm triệu franc, lối thoát duy nhất là kiếm những nhà đầu tư chịu mua lại những tập đoàn giờ chỉ còn tiếng chứ không còn miếng này.
Bất chấp nhiều lời hoài nghi, Nicolas Hayek đề nghị hợp nhất SSIH và Asuag. Công ty vi điện tử và đồng hồ Thuỵ Sĩ (SMH) ra đời năm 1983. Không lâu sau đó, cùng với SMH, ông viết nên trang sử mới cho ngành công nghiệp đồng hồ khi cho ra đời chiếc đồng hồ Swatch: đồng hồ chất lượng Thuỵ Sĩ, trẻ trung, dây nhựa với giá 50 franc (khoảng 38 euro)!
Đến nay đã có hơn 400 triệu chiếc Swatch được bán. SMH được đổi tên thành tập đoàn Swatch vào năm 1998, sở hữu 19 nhãn hiệu đồng hồ danh tiếng như Breguet, Blancpain, Omega, Rado, Longines, Tissot, Balmain, Swatch… “Đế chế” Swatch hiện là tập đoàn đồng hồ số một thế giới, với khoảng 25% thị phần toàn cầu, vượt trên Rolex, LVMH và Richemont.
Từ cuộc “cách mạng Swatch”, người tiêu dùng biết đến một dòng đồng hồ “made in Switzerland” khác: trẻ trung, đa dạng mẫu mã, vừa túi tiền để có thể thay đổi theo các mùa thời trang. Với phong cách nghệ sĩ, đề cao sự tưởng tượng, bay bổng, ông Hayek đưa thiết kế trở thành một điểm mạnh của Swatch. Đến nay có khoảng 3.000 mẫu Swatch ra đời. Đi cùng nó là công nghệ mang tính sáng tạo: một chiếc đồng hồ thông thường cần khoảng 150 chi tiết để lắp ghép hoàn chỉnh, để trở nên mỏng, nhẹ, Swatch chỉ cần 50 chi tiết. Nhờ đó mà nhiều chiếc đồng hồ dòng Skin của Swatch dày vỏn vẹn 1,9mm.
Ngay chính cái tên của Swatch cũng mang dấu ấn của Nicolas Hayek. Swatch được ghép lại từ “Swiss-watch” và đi kèm theo logo là lá cờ Thuỵ Sĩ. Ông Hayek muốn nhấn mạnh vào yếu tố “Thuỵ Sĩ” của Swatch. Ông Hayek thực hiện một cuộc khảo sát với ba chiếc đồng hồ giá rẻ chất lượng tương tự nhau: một chiếc “made in Switzerland”, một chiếc “made in Japan” và chiếc còn lại “made in Hong Kong”. Kết quả là 60% người tiêu dùng chọn đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Nicolas Hayek còn được biết đến như một ông chủ luôn đề cao các giá trị nhân bản. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, tập đoàn Swatch giữ vững nguyên tắc không sa thải nhân viên khi gặp khó khăn, điều mà rất nhiều công ty lớn đã chọn như một giải pháp hàng đầu. Theo ông, thù lao cho toàn bộ nhân công chỉ chiếm từ 10 – 20% chi phí sản xuất nên vẫn có thể tiết kiệm từ nhiều khoản hao hụt khác với lợi ích đạt được cao hơn nhiều.
Lối “dụng binh” của Hayek khiến Swatch là một khối đoàn kết, vững vàng trước những giông bão của khủng hoảng. Trong khi các tập đoàn thuộc ngành công nghiệp đồng hồ bị giảm doanh số trung bình 22,3% năm 2009, Swatch chỉ giảm 8% và đạt tổng cộng 5,42 tỉ franc Thuỵ Sĩ. Và trong cuộc họp cuối cùng với hội đồng quản trị tập đoàn Swatch, ông Hayek vui mừng thông báo kết quả rất khả quan của bốn tháng đầu năm 2010: “Mỗi tháng đều có số lượng sản phẩm bán được gần như kỷ lục”.
Ngày 28.6 vừa qua, chủ tịch tập đoàn đồng hồ Swatch, ông Nicolas Hayek ra đi mãi mãi vì lên cơn đau tim ngay tại phòng làm việc, đúng với ước nguyện của ông: cống hiến cho đến giây phút cuối cùng.
Cả đất nước Thuỵ Sĩ tiếc thương Nicolas Hayek.
Theo Dung Nhi ( SGTT)