Đã đến lúc sửa Nghị định 24 để vàng SJC hết một mình một chợ

(PLO)- “Nhà nước không chấp nhận việc giá vàng trong nước chênh lệch tới 20 triệu đồng so với giá vàng thế giới và chênh lệch với các loại vàng khác mấy triệu đồng” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây có thời điểm giá vàng SJC tăng bất thường lên đến trên 80,3 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến những người mua vàng miếng SJC bị thiệt đơn thiệt kép.

Lẽ ra phải sửa Nghị định 24/2012 sớm hơn

Sáng 3-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo triển khai nhiều nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024. Tại đây, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc NHNN, khẳng định: Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỉ giá và thực thi chính sách tiền tệ.

Thực tế cho thấy trong hơn 10 năm qua cũng như thời gian gần đây, dù giá vàng tăng, giảm thất thường nhưng tỉ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.

vàng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú (đứng): Giá vàng Việt Nam cao hơn vàng thế giới hơn 20 triệu đồng/lượng là không chấp nhận được. Ảnh: MINH TRÚC

“Vì vậy đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng” - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nhấn mạnh.

Trước các ý kiến đề nghị xem xét việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC, ông Tuấn thông tin: NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ, ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1-2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng; trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách để phù hợp tình hình mới.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh Nghị định 24 ra đời cách đây hơn 10 năm và đã phát huy vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, đảm bảo mục tiêu lớn nhất là chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tỉ giá.

Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân.

Tuy nhiên, Nghị định 24 ra đời cách đây hơn 10 năm và giờ đây đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện tại. Đáng lẽ cần phải sửa đổi, bổ sung nghị định này sớm hơn.

Cũng theo ông Tú, trong Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC. Cụ thể, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

“Vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thuộc về thị trường, thuộc chức năng bộ, ngành khác quản lý về mặt nhà nước. Còn vàng miếng do Nhà nước độc quyền và chúng ta đã chọn SJC làm thương hiệu kinh doanh vàng miếng” - ông Tú giải thích.

Câu hỏi đặt ra là liệu SJC có còn vai trò ở thời điểm hiện tại không? Theo ông Tú, nhiều chuyên gia cho rằng không cần thiết phải duy trì độc quyền thương hiệu vàng SJC và đã đến lúc mở ra cho nhiều thương hiệu khác cùng tham gia vào thị trường, giúp người tiêu dùng có thêm sự chọn lựa.

Tuy nhiên, phó thống đốc khẳng định dù vàng SJC còn độc quyền hay có nhiều thương hiệu khác cùng tham gia vào thị trường thì mục tiêu cuối cùng là thị trường vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

“Nhà nước luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, quyền mua bán vàng miếng của người dân. Song Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân” - ông Tú nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thống đốc nhấn mạnh không chấp nhận việc giá vàng SJC trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua. Đồng thời không chấp nhận việc giá vàng SJC cao hơn một số loại vàng khác đến vài triệu đồng. “Vàng thế giới có tăng nhưng vàng thế giới tăng một, vàng trong nước tăng ba là không chấp nhận được”.

Theo ông Tú, tất cả vấn đề trên sẽ được xem xét khi sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Việc sửa đổi phải vừa đảm bảo quản lý vừa đảm bảo tính thị trường. Thời gian tới NHNN sẽ triển khai và xin ý kiến rộng rãi.

Không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024

Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5% so với năm 2022. Mức tăng trưởng này chưa đạt định hướng 14%-15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm, tuy nhiên trong bối cảnh cầu tín dụng còn thấp thì đây là mức tăng trưởng khả quan.

“Mức tăng trưởng tín dụng 13,5% tương ứng với việc đã cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỉ đồng. Qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới và khu vực” - ông Tú nói.

Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15%. Khác với các năm trước giao rải rác, năm nay NHNN phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm.

Với mức tăng trưởng tín dụng này sẽ có khoảng 2 triệu tỉ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. “Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%” - ông Tú cho biết.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm: NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. Hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa.

“Do đó, một trong những giải pháp là NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Xem xét kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Phó Thống đốc NHNN cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán, NHNN sẽ tổ chức sơ kết gói hỗ trợ 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay vốn, hiện dư nợ đã đạt hơn 9.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ông Tú cũng cho hay NHNN đang nghiên cứu, xem xét về gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

“Nếu đến thời điểm 30-6, nền kinh tế vẫn cần thông tư này, doanh nghiệp vẫn cần thông tư này thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục kéo dài thêm” - ông Tú nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm