Sửa Nghị định 24, giá vàng SJC sẽ hạ nhiệt

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng vàng thay vì giữ quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây giá vàng miếng SJC tăng cao bất thường, có thời điểm đắt hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng. Trước thực tế trên, mới đây Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định.

Vậy nên sửa Nghị định 24 như thế nào để giá vàng SJC không còn siêu đắt? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề này.

vàng
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ông TRẦN THANH HẢI, chuyên gia kinh tế:

Trả lại sự bình thường cho vàng miếng SJC

Trước đây Nghị định 24/2012 ra đời để chống vàng hóa, ổn định tỉ giá nhưng hiện nay câu chuyện tỉ giá không bị ảnh hưởng bởi vàng nữa, mà chủ yếu do xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đem lại vị thế một đồng tiền mạnh. Do đó, NHNN có thể xem xét trả lại thị trường vàng miếng SJC giống như vàng nhẫn.

Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế đưa thị trường vàng nhẫn 9999 trở thành thị trường phổ biến. Đây là điều hết sức cần thiết và là nhu cầu chính đáng cho số đông người lao động có thu nhập trung bình để họ bỏ tiền vào đấy, bên cạnh các kênh khó có khả năng tiếp cận là thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tuy nhiên, NHNN có thể lo ngại khi thực hiện cơ chế trên thì hiện tượng vàng hóa có thể trở lại tác động đến nền kinh tế. Do đó, để chống vàng hóa, Nhà nước cần phải cấm hiện tượng huy động vàng và cho vay bằng vàng từ các NH thương mại.

Nếu đảm bảo được việc các NH thương mại không huy động vàng, không được cho vay bằng vàng như trước đây thì trả lại vàng miếng SJC lưu thông một cách bình thường là điều hợp lý.

vang-7019.jpeg
Trong tháng 1-2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Ảnh: THÙY LINH

TS VŨ ĐÌNH ÁNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính:

Giảm bớt việc độc quyền vàng miếng SJC

Trước khi Nghị định 24/2012 ra đời thì hiện tượng đô la hóa và vàng hóa rất lớn trong nền kinh tế. Có nghĩa là người dân nhiều khi sử dụng ngoại tệ và vàng để mua bán các hàng hóa có giá trị lớn thay vì dùng tiền đồng. Chưa kể xuất hiện các hiện tượng đầu cơ, sốt nóng trên thị trường vàng.

Sau khi Nghị định 24/2012 được ban hành, thị trường vàng đã không còn những biến tướng trên và tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối. Hiện đồng Việt Nam đã nâng cao vị thế. Bên cạnh đó, mục tiêu chống vàng hóa, đô la hóa đã hoàn thành cũng như đã thiết lập được trật tự thị trường vàng thì NHNN có thể xem xét giảm bớt việc độc quyền vàng miếng SJC. Bởi NHNN đã độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và trong 10 năm qua gần như không tăng nguồn cung vàng miếng.

w-p11-tien-si-vu-dinh-anh-3878.jpg
TS Vũ Đình Ánh. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

Trước sự biến động mạnh của thị trường vàng thời gian gần đây, ngày 28-12-2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... Qua đó có giải pháp quản lý, đảm bảo khả thi, hiệu quả, đúng quy định, gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý vàng SJC bản chất là một loại vàng tiền tệ và vận hành trên cơ sở cung - cầu. Do đó, một mặt chúng ta vẫn phải kiểm soát tốt thị trường vàng tiền tệ bằng các công cụ hiện có, cả những công cụ mới. Đồng thời phải tạo ra cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi nhất để giúp phát triển thị trường vàng hàng hóa, trang sức.

Làm được điều này sẽ hỗ trợ không chỉ cho những công ty Việt mà cả nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc kinh doanh vàng trong nước lẫn hoạt động xuất khẩu, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển nền kinh tế.

Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam:

Nên cấp quota nhập khẩu vàng

Ở góc độ hiệp hội, chúng tôi đánh giá rất cao tính tích cực của Nghị định 24/2012 đã thiết lập trật tự thị trường vàng và chấm dứt tính trạng vàng hóa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng vàng miếng SJC hiện có sự chênh lệch quá cao so với thế giới, xuất phát từ việc nguồn nguyên liệu đang khan hiếm.

w-p11-ong-huynh-trung-khanh-5419.jpg
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Do đó, mới đây chúng tôi đã kiến nghị bằng văn bản với NHNN cho phép một số công ty lớn như SJC, PNJ, DOJI… được nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và sản xuất vàng miếng. Các đơn vị này sẽ nhập số lượng vào khoảng vài trăm ký vàng trong vòng 3-6 tháng với tổng giá trị khoảng 100 triệu USD. Đây là con số thấp, không gây ảnh hưởng đến tỉ giá. NHNN cũng đã tiếp nhận, xem xét và nghiên cứu kiến nghị này.

Chúng tôi cũng đề nghị một giải pháp khác là NHNN xem xét cấp quota vàng cho các đơn vị kinh doanh (NHNN từng thực hiện điều này trước đây), hoặc cho nhiều thương hiệu vàng có sự tương đồng với vàng miếng SJC để tránh độc quyền. Khi đó, giá vàng miếng sẽ không biến động lớn như vừa qua.

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng:

NHNN chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng vàng

Nếu NHNN vẫn nhập khẩu vàng rồi giao cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất, sau đó NHNN tổ chức đấu thầu thì chỉ giải quyết được những bất cập mang tính nhất thời chứ không căn cơ.

Vì vậy, theo tôi, giải pháp trước mắt là NHNN nên cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Điều này sẽ giúp chênh lệch giữa giá các loại vàng trang sức 24K, vàng nhẫn tròn trơn quay về ngang bằng với giá vàng thế giới.

Như vậy, cùng số tiền mua một lượng vàng miếng SJC, người dân có thêm lựa chọn là sở hữu 1,2-1,3 lượng vàng nhẫn 9999. Từ đó, nhu cầu mua vàng miếng SJC cũng sẽ giảm. Lý do là đối với nhà đầu tư, sở hữu vàng miếng SJC hay vàng nhẫn tròn trơn đều cùng là vàng 9999.

Tiếp đến, NHNN cần sửa một số quy định bất cập của Nghị định 24/2012, đặc biệt là cần sớm loại bỏ quy định sản xuất độc quyền vàng miếng thương hiệu vàng quốc gia - vàng miếng SJC.

Hay nói cách khác, NHNN chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại.

Sẽ sửa đổi, bổ sung một số cơ chế về vàng để phù hợp với bối cảnh mới

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, nói: “Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế”.

Về dư luận cho rằng Công ty SJC độc quyền sản xuất vàng miếng nên lãi cao và đề nghị cần sửa đổi cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, ông Tuấn lý giải: Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN.

Thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến của các bộ, ngành chức năng có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24. “Trong tháng 1-2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường” - ông Tuấn thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm