Đã nghèo nhưng lại... không muốn thoát nghèo

Bộ LĐ-TB&XH, cho biết tính đến ngày 28-5, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh trong Vùng Tây Nam Bộ đã tiếp nhận 47.834 người đăng ký thất nghiệp (chiếm khoảng 17,96% cả nước), số lao động đến nộp hồ sơ thất nghiệp và số lao động nộp hồ sơ xin nhận bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Thị trường lao động vùng Tây Nam Bộ theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH là cung vẫn lớn hơn cầu, sức ép về việc làm tương đối lớn (chủ yếu là lao động phổ thông). Lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng thấp cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Cạnh đó, một bộ phận người dân chưa chủ động trong học nghề, tìm kiếm việc làm. Hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm chưa thực sự phát huy hết vai trò, chức năng cung cấp thông tin thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động.

Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ở vùng này cũng chưa hiệu quả, số lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Người lao động trong khu vực còn nghèo, nhiều người không đủ khả năng để trang trải chi phí, trong khi một số địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật nước ngoài chưa cao, còn nhiều người bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến việc tuyển chọn lao động trên toàn vùng. Đặc biệt, vẫn xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân lừa đảo xuất khẩu lao động khiến người dân bị thiệt hại, gây mất niềm tin vào hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, một bộ phận hộ nghèo, người nghèo trong vùng vẫn còn trông chờ nhiều vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, không muốn thoát nghèo. Một số hộ nghèo thuộc diện neo đơn, mất sức lao động, bệnh hiểm nghèo và không có tư liệu sản xuất nên khó giảm nghèo bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm