Đặc phái viên LHQ đến Nhật để kêu gọi giải quyết khủng hoảng Myanmar

(PLO)- Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar – ông Tom Andrews tin tưởng Nhật có thể dẫn đầu nỗ lực giải quyết tình hình tại Myanmar.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar – ông Tom Andrews sẽ tới Nhật vào ngày 19-4 để kêu gọi Nhật can thiệp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở nước này.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar – ông Tom Andrews. Ảnh: AFP

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar – ông Tom Andrews. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina dẫn một thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ ngày 17-4 cho biết chuyến thăm Nhật của ông Andrews sẽ kéo dài đến ngày 28-4.

“Là một nền dân chủ mạnh mẽ của châu Á, Nhật có vị trí thuận lợi để lãnh đạo khu vực giải quyết khủng hoảng ở Myanmar” – Prensa Latina dẫn thông cáo của ông Andrews.

Theo Đặc phái viên LHQ, tình hình ở Myanmar ngày càng xấu đi trong bối cảnh tần suất xung đột giữa các bên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân thường ngày càng gia tăng, số lượng tù nhân chính trị tăng, và nhu cầu nhân đạo cũng ngày càng tăng.

Trong những ngày ở Nhật, ông Andrews dự kiến ​​sẽ gặp các quan chức chính phủ Nhật, những người tị nạn và doanh nhân Myanmar, cũng như thăm các cơ quan của LHQ tại nước này.

Đặc phái viên LHQ sẽ có bài nói chuyện tại một trường đại học địa phương ở cố đô Kyoto và tổ chức họp báo tại Tokyo vào cuối chuyến thăm vào ngày 28-4.

Ông Andrews thông báo kế hoạch đến Nhật vài ngày sau khi xảy ra không kích vào thị trấn Kanbalu ở vùng Sagaing (tây bắc Myanmar) vào sáng 11-4 làm ít nhất 171 người thiệt mạng, theo số liệu từ báo Myanmar The Irrawaddy.

LHQ và nhiều nước đã phản ứng mạnh với vụ không kích đẫm máu tại Kanbalu. Ngày 12-4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công và nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực trên khắp đất nước.

Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet gọi vụ việc là “đáng trách” và kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 13-4 cũng đã ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ” vụ không kích.

Đây được cho là vụ không kích đẫm máu nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau một cuộc chính biến vào tháng 2-2021. Hơn 3.000 người đã thiệt mạng, 1,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 16.000 người vẫn còn bị giam giữ kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm