Ngày 29-12, phiên phúc thẩm đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng bước vào phần xét hỏi.
Được mời trình bày kháng cáo, bị cáo Danh nói: “Thưa HĐXX, trước khi tôi trình bày, cho phép tôi được cám ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho tôi. Tôi bị huyết áp cao, trí nhớ kém, sự việc cũng đã diễn ra lâu. Sức khỏe không tốt, tôi mong và cố gắng hết sức để phiên tòa tiếp tục…”.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Hai nội dung chính của ngày xét hỏi liên quan tới việc ông Danh chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỉ đồng; thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX, ông Danh nói về đề án Corebankingtrước khi triển khai có họp HĐQT và có biên bản, rút khoản tiền 63 tỉ đồng, ông dùng chi cho chăm sóc cho khách hàng.
Về nội dung thuê mặt bằng, ông Danh nói bản án sơ thẩm quy kết ông là người đề ra chủ trương gây thiệt hại 581 tỉ đồng cho VNCB là không đúng. “Tôi thuê hai vị trí đó và việc thuê mặt bằng không phải là việc khống mà thực tế là có thật, còn đúng quy trình hay không, tôi giao cho anh Phan Thành Mai giám sát” - ông Danh trình bày.
Bị cáo Mai trả lời HĐXX việc VNCB thay đổi địa điểm là sự cấp thiết và có trong đề án tái cơ cấu của VNCB. Địa điểm có thật và đang tổ chức triển khai thì xảy ra vụ án. Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking khi thực hiện đều có họp và có văn bản với sự tham dự của ông Danh, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và một kế toán của VNCB. Cuộc họp diễn ra vào khoảng giữa năm 2013 do ông Danh chủ trì.
Bị cáo Phan Thành Mai.
Bị cáo Mai cũng lý giải việc phải thực hiện đề án Corebanking vì áp lực lúc đó VNCB không sử dụng được ngân sách, cần có phương án mượn tạm tiền ngân hàng để chi chăm sóc khách hàng.
“Corebanking là phương án thiết thực cho ngân hàng vừa đầu tư công nghệ thông tin vừa mượn được tiền từ ngân hàng chi chăm sóc khách hàng” - ông Mai khẳng định.