Đại biểu HĐND TP.HCM: Hậu kiểm chưa chặt, doanh nghiệp 'ma' hoành hành

(PLO)- Đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, công tác hậu kiểm còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp đăng kí kinh doanh nhưng không hoạt động, tồn tại dạng doanh nghiệp 'ma'.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-9, Đoàn đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM tiếp tục có buổi giám sát việc thực hiện chủ đề năm 2023 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” đối với Sở Công thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cùng Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cùng chủ trì buổi giám sát.

Đại biểu HĐND TP.HCM: Hậu kiểm chưa chặt, doanh nghiệp 'ma' hoành hành ảnh 1

Đoàn đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM tiếp tục có buổi giám sát việc thực hiện chủ đề năm 2023, sáng 12-9. Ảnh: THANH TUYỀN

Băn khoăn về công tác hậu kiểm doanh nghiệp

Sau khi nghe Sở KH&ĐT báo cáo, ĐB Cao Thanh Bình cho rằng thời gian qua, Sở đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh đầu tư công, thành lập các tổ giải quyết ngoài giờ hành chính nhưng tỉ lệ giải ngân còn thấp, các dự án đầu tư công vướng mắc còn rất nhiều, chậm giải quyết.

Sở KH&ĐT đã có đánh giá chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ ra sao, có cá nhân nào bị xử lý liên quan đến việc chậm giải ngân đầu tư công hay chưa và giải pháp cụ thể để chấn chỉnh là gì?

ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TP.HCM

ĐB Bình cũng đặt thêm vấn đề với Sở KH&ĐT về công tác hậu kiểm các doanh nghiệp sau khi đăng kí kinh doanh.

ĐB Cao Thanh Bình nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

ĐB Cao Thanh Bình nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Vị đại biểu này nêu rõ, TP đang rất cởi mở trong việc đăng kí kinh doanh, người dân, doanh nghiệp có thể ngồi ở nhà gõ trên hệ thống, dễ dàng để đăng kí thành lập một doanh nghiệp.

Số vốn đăng kí thành lập có khi cũng không rõ ràng, có doanh nghiệp đăng kí thành lập với số vốn hàng trăm tỉ nhưng số tiền thực mà họ có lại không nhiều. Có doanh nghiệp sau khi đăng kí kinh doanh chỉ thực hiện một đơn hàng xuất khẩu nào đó, sau đó cơ quan chức năng tìm không ra; hay có những doanh nghiệp “ma”, đăng kí địa chỉ nhưng thực tế lại không có doanh nghiệp ở vị trí đó ngoài đời thực.

Từ đó, ông Bình hỏi Sở KH&ĐT về giải pháp để quản lý chặt chẽ về hậu kiểm sau khi các doanh nghiệp đăng kí kinh doanh.

Còn ĐB Lê Minh Đức, Phó trưởng ban pháp chế HĐND TP.HCM ghi nhận Sở KH&ĐT làm rất tốt vấn đề “khai sinh” cho các doanh nghiệp; nhưng ngược lại nhiều doanh nghiệp sau khi phá sản, giải thể lại không thể làm được thủ tục.

“Tức là nhiều doanh nghiệp chết mà chưa được chôn”- ĐB Đức ví von và hỏi về số doanh nghiệp phá sản, giải thể trong 8 tháng đầu năm 2023.

Ông Lê Minh Đức truy vấn phía Sở KH&ĐT có nắm được trong tổng số đó, có bao nhiêu doanh nghiệp không thể làm được thủ tục giải thể, phá sản và Sở có giải pháp ra sao để giúp họ “kết thúc vòng đời” của một doanh nghiệp.

ĐB Lê Minh Đức cũng đặt vấn đề về giải pháp của Sở này ra sao để kết hợp với chính quyền địa phương, các sở ban ngành có trách nhiệm trong công tác hậu kiểm.

Bởi, qua nhiều vụ án tội phạm lừa đảo liên quan đến thương mại, vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng việc thành lập các doanh nghiệp ma để bán hoá đơn, lừa đảo người dân. ĐB yêu cầu phải có giải pháp cụ thể về công tác hậu kiểm, về việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp để tránh tình trạng thành lập các doanh nghiệp "ma".

Chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp với địa phương

Trả lời các ý kiến, đại diện Sở KH&ĐT cho biết đã kí kết quy chế phối hợp với các sở, ban ngành và các quận, huyện, TP Thủ Đức để quản lý chặt chẽ việc đăng kí thành lập doanh nghiệp. Theo đó, sau khi cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, phòng đăng kí kinh doanh sẽ gửi cho các sở, ngành, quận, huyện mỗi tháng hai lần.

Ngoài ra, Sở cũng có xây dựng cổng thông tin doanh nghiệp, qua đó chia sẻ dữ liệu về đăng kí doanh nghiệp để các sở, ngành, quận, huyện chủ động nắm thông tin của các doanh nghiệp trên địa bàn và quản lý.

Riêng với vấn đề địa chỉ “ma”, Sở đã cùng cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn trong khâu hậu kiểm và có thông tin, dữ liệu ngay khi doanh nghiệp đó không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí.

Còn về vấn đề mạo danh, Sở này cho biết đã kết hợp với Công an TP.HCM để tìm phương án xử lý; đồng thời tham mưu cho cơ quan quản lý có quy định quản lý chặt chẽ hơn.

Sở KH&ĐT cho biết thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đảm bảo thực hiện việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam đối với các thủ tục: cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Để tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ thực hiện thủ tục đầu tư qua mạng điện tử đạt hơn 40%. Sở KH&ĐT sẽ tập trung xây dựng và nâng cấp chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến.

Đại biểu HĐND TP.HCM: Hậu kiểm chưa chặt, doanh nghiệp 'ma' hoành hành ảnh 3

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở KH&ĐT phải nỗ lực cao nhất để phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt tỉ lệ giải ngân là 95%. Ảnh: THANH TUYỀN

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu, trong thời gian tới, Sở KH&ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND TP có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025. Song song đó, phải đẩy mạnh các giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực đầu tư…

Bà Nguyễn Thị Lệ đặc biệt lưu ý về công tác giải ngân của Sở này. Trong đó, bà yêu cầu Sở phải nỗ lực cao nhất để phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt tỉ lệ giải ngân là 95% theo mục tiêu đã đề ra.

Nhiệm vụ quan trọng nhất, Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu Sở KH&ĐT tham mưu để UBND TP sớm hoàn thành các nội dung liên quan đến quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế- giáo dục- đào tạo, thể thao, văn hoá để trình HĐND TP.HCM xem xét, quyết định.

Phương án nào cho 41 dự án không được chấp thuận chủ trương đầu tư?

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề với Sở KH&ĐT về 41 dự án không được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, theo thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp lần 3 của tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư vào tháng 8 vừa qua.

ĐB Cao Thanh Bình hỏi rằng tổ công tác tư vấn đã có hướng dẫn cho doanh nghiệp hay chưa. Nếu không được thì Sở có định hướng chuyển đổi các dự án này ra sao để nhà nước không bị tác động, doanh nghiệp không bị khó khăn và người dân thì không bị ảnh hưởng.

Theo thông báo kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT làm việc và thông báo cho nhà đầu tư rằng dự án không đáp ứng cơ sở pháp lý để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại.

Đồng thời, Sở cũng phải hướng dẫn nhà đầu tư theo phương án đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trong trường hợp nhà đầu tư vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở KH&Đ cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan thường trực của Tổ công tác về đầu tư, tham mưu cho UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm