Đại biểu Quốc hội tranh luận nóng chuyện rút BHXH một lần

(PLO)- Ngày 23-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó quy định về rút BHXH một lần và mở rộng đối tượng tham gia BHXH được rất nhiều đại biểu quan tâm góp ý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum), trong hai phương án về rút BHXH một lần, nếu áp dụng phương án 1, e rằng người lao động (NLĐ) không đồng tình. Theo phương án này, sau ngày 1-7-2025 (dự kiến luật có hiệu lực), NLĐ sẽ không được rút BHXH một lần.

Tại sao chỉ được rút BHXH một lần 50%?

“Không cho rút BHXH một lần là để NLĐ khi hết tuổi lao động, về già được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống. Vấn đề ở đây là tại sao một chính sách nhân văn, có tính lâu dài như vậy lại không được nhiều NLĐ đồng tình?” - ĐB Tám nêu.

rút BHXH một lần
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho ý kiến về các phương án rút BHXH một lần tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

Còn phương án 2, vẫn cho phép NLĐ được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất, thời gian còn lại sẽ được bảo lưu. “Tại sao lại là 50% mà không phải tỉ lệ khác? Tôi thấy cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tiếp tục tham gia BHXH, khi đó họ không thuộc diện bắt buộc tham gia” - ĐB Tám nói.

Hai phương án rút BHXH một lần

Phương án 1, chia làm hai nhóm. Nhóm 1, NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Phương án 2, cho NLĐ rút BHXH một lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu.

“BHXH có phần của NLĐ và phần chủ sử dụng lao động đóng. Theo tôi, nên quy định theo hướng khi rút BHXH một lần, NLĐ chỉ được rút phần mình đóng. Còn lại sẽ được Nhà nước bảo lưu để sau này có thể đóng tiếp hoặc hưởng khi hết tuổi lao động” - ĐB Tám đề xuất.

Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng cả hai phương án rút BHXH một lần đều bất cập bởi “không thể nào chấp nhận việc tiền của tôi đóng vào mà giờ không cho rút ra khi cần”. Do đó, nên nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình, điều kiện của đất nước.

“NLĐ đóng BHXH nên được quyền rút một lần. Tuy nhiên, chỉ nên cho rút phần tiền do họ đóng, còn phần tiền của người sử dụng lao động đóng phải giữ lại để giữ chân NLĐ tiếp tục quay lại hệ thống an sinh” - ĐB Hòa nói.

Đánh giá kỹ tác động khi mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) dẫn số liệu thống kê cho thấy số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là rất lớn với 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, 270.366 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố…

“Đã là bắt buộc thì phải có chế tài kiểm soát, xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta đã có giải pháp gì mới trong thời gian tới chưa? Nếu không, chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, việc trốn, chậm đóng BHXH vẫn đang là một câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả” - ĐB Nga phát biểu.

Theo đó, ĐB Nga đề nghị ngoài thủ tục hành chính đơn giản, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần cho các đối tượng này để tạo sự lựa chọn và hấp dẫn người tham gia.

Theo ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ của lưới an sinh. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả NLĐ và người sử dụng lao động. “Do đó cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích, chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh phản ứng tiêu cực” - ĐB Mai lưu ý.

Cũng theo ĐB Mai, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cần thiết phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.

“Việc tham gia BHXH bắt buộc góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ nhưng sẽ không tránh khỏi việc họ so sánh giữa tham gia BHXH với các hình thức tích lũy khác. Cạnh đó, đóng BHXH trừ trực tiếp vào thu nhập của NLĐ nên có một số bộ phận do thu nhập quá thấp nên không muốn tham gia. Việc cần làm là chính sách phải hấp dẫn để NLĐ tự nguyện tham gia chứ không cần bắt buộc” - ĐB Mai nói thêm.

P12_BHXH2.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

Phương án nào cũng là đảm bảo an sinh cho người lao động

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết nguyên nhân chính khiến NLĐ rút BHXH một lần tăng trong thời gian qua chủ yếu là do gặp khó khăn trong cuộc sống. Do đó, lần sửa đổi này dự luật thiết kế hai phương án rút BHXH một lần để đảm bảo hai mục tiêu chính. Thứ nhất, NLĐ vẫn có quyền rút BHXH một lần. Thứ hai, phấn đấu để giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH để về già NLĐ có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.

“Chúng tôi cho rằng việc hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng NLĐ có quyền trong vấn đề này, không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi luật có hiệu lực…” - ông Dung nhấn mạnh.

Về phương án chỉ được rút 50%, ông Dung giải thích: “Tỉ lệ 50% là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Ở đây cần phải nói rõ để lại 50% là để lại cho NLĐ, được bảo lưu để họ tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi NLĐ quay lại tham gia BHXH sẽ được cộng dồn thời gian đóng. Còn nếu không tham gia BHXH thì khi đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.

Phương án này vẫn đảm bảo được quyền của người tham gia là được hưởng BHXH một lần và công bằng trước, sau khi luật có hiệu lực. Thứ hai là phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khắc phục được những vướng mắc hiện nay. Thứ ba là giữ chân NLĐ”. “Do đó, có thể thấy rằng phương án 2 cho rút 50% là chúng tôi đã tính toán. Không có cách nào khác, đó là phương án tối ưu hơn trong tất cả phương án đang có hiện nay” - ông Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm