Chiều 12-6, tại TP.HCM, Tập đoàn Meta (chủ mạng xã hội Facebook, Instagram) đã có buổi gặp mặt báo chí chia sẻ về chủ đề Kinh doanh hội thoại - Business Messaging Summit 2024.
Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về các xu hướng kinh doanh hội thoại. Cụ thể, trung bình cứ ba người tiêu dùng Việt thì có một người gửi tin nhắn cho doanh nghiệp hàng tuần. Tương tự có 83% doanh nghiệp cho biết họ tiếp cận khách hàng tiềm năng từ quảng cáo Click đến Messenger.
Ngoài ra, nghiên cứu của Meta chỉ ra 43% người dùng sử dụng ứng dụng Messenger để tương tác với doanh nghiệp hàng tuần.
Chưa kể có 8/10 người dùng ở Việt Nam cho biết, họ quyết định mua hàng khi xem livestream trên Facebook. Và Messenger là công cụ kết nối mạnh mẽ để hoàn tất quá trình chốt đơn của người dùng.
“Các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt Nam cho biết họ sử dụng Messenger không chỉ để bán hàng mà còn để chăm sóc khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.
Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt kênh này để tìm kiếm đơn hàng ngàn USD, hoặc hợp đồng giá trị lớn như tư vấn giáo dục, hoặc giải pháp kinh doanh"- Ông Khôi chia sẻ.
Đại diện Meta Việt Nam cũng thông tin, trong tuần này, Meta cung cấp thêm ba giải pháp mới trong kinh doanh hội thoại gồm: công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live; Tính năng khám phá sản phẩm trên Messager để trải nghiệm mua hàng gần giống với hình thức thương mại điện tử. Và giải pháp kinh doanh hội thoại ứng dụng AI- trí tuệ nhân tạo.
"Kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, chi phí nhân sự cũng như đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng"- Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam nói.
Cũng trong buổi họp báo, ông Khôi khẳng định đơn vị này luôn cam kết chấp hành các chuẩn mực kinh doanh và quy định hiện hành, quy định quảng cáo của nước sở tại.
Chính vì thế các vấn đề liên quan đến thuế trong kinh doanh và quản lý chất lượng hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội Facebook, nhất là các phiên livestream, được đơn vị này liên tục hợp tác với các đối tác vận hành giải pháp, để có số liệu cũng như thông tin đáp ứng các nghĩa vụ thuế của người bán và chất lượng hàng hóa.
"Đối với vấn đề thuế, mạng xã hội Facebook tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước và rất hoan nghênh chỉ thị mới đây của Thủ tướng liên quan tới việc quản lý các phiên livestream, đặc biệt là thu thuế livestream. Chúng tôi liên tục kêu gọi các đối tác của mình phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế của Việt Nam.
Đồng thời, nỗ lực kết hợp với đối tác của Meta hỗ trợ người dùng cuối - khách hàng. Meta không trực tiếp xử lí đơn hàng trên nền tảng mà thông qua các đối tác để thực hiện các vấn đề trong thương mại, trong đó bao gồm cả công tác quyền lợi người dùng"- ông Khôi nhấn mạnh.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024 của Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, có 58% doanh nghiệp cho biết họ tiếp tục và có kinh doanh qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram). Tuy nhiên so với năm 2022, tức thời điểm dịch COVID-19, thì tỉ lệ này có giảm một chút.
Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp lớn có xu hướng kinh doanh qua nền tảng mạng xã hội cao hơn chút so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.