Đại sứ Mỹ tiết lộ lý do Chương trình Hoà bình có ý nghĩa đặc biệt

(PLO)-  Đại sứ Knapper cho rằng quan hệ và thiện chí Việt - Mỹ thay đổi rất nhiều sau một thế hệ, được thể hiện qua Chương trình Hòa bình đang triển khai ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong buổi lễ giới thiệu ông Mikel Herrington - Giám đốc Quốc gia mới bổ nhiệm của Chương trình Hoà bình (Peace Corps), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã nhấn mạnh sự quan trọng của Chương trình Hoà bình, không chỉ với cá nhân ông vì đã gắn bó với chương trình trong gần 20 năm (kể từ khi ông bắt đầu làm việc ở Việt Nam năm 2004).

Mà chương trình Hoà bình còn là tiêu biểu cho cầu nối giữa hai quốc gia trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác Toàn diện, hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Mỹ là lĩnh vực quan trọng nhất.

“Khi nói về quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác Toàn diện, tôi nghĩ lĩnh vực quan trọng nhất là hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân. Không gì thể hiện điều này tốt hơn Peace Corps đang triển khai ở Việt Nam. Chương trình này tiêu biểu cho cầu nối giữa hai quốc gia”- Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ Knapper cho rằng mục tiêu của Peace Corps là xây dựng tình hữu nghị, lòng tin giữa Mỹ và các nước trên thế giới

Đại sứ Knapper cho rằng mục tiêu của Peace Corps là xây dựng tình hữu nghị, lòng tin giữa Mỹ và các nước trên thế giới

Với tâm huyết của Đại sứ và câu chuyện của gia đình mình, ông nhấn mạnh rằng hai nước đã tiến một chặng đường dài từ quá khứ đau thương trong chiến tranh, đến nay, việc Peace Corps có mặt Việt Nam đã thể hiện sự thiện chí, tinh thần hữu nghị và sự tin tưởng của Mỹ hướng tới Việt Nam.

“Nhiều người cũng biết cha tôi trong những năm 1966 – 1967 đã tham chiến tại Quảng Trị, đến tôi nay là Đại sứ. Một ví dụ đó thôi, chỉ sau một thế hệ, từ đời cha tôi đến tôi, cũng cho thấy rất nhiều điều về quan hệ song phương của chúng ta, thiện chí, lòng tin của hai bên đã thay đổi rất nhiều”- Đại sứ chia sẻ.

“Không gì có thể đại diện cho tình hữu nghị giữa 2 nước hơn là sự có mặt của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam. Hiện chỉ có 9 tình nguyện viên nhưng tương lai sẽ có nhiều người Mỹ nữa đến Việt Nam giảng dạy tiếng Anh, tiếp xúc với chính quyền, giáo viên và cộng đồng cư dân địa phương để xây dựng những cầu nối, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước”- Đại sứ Knapper tin tưởng.

TS Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đến nay Peace Corps đã có 9 tình nguyện viên đang giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội và phía Bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ với Washington để trong tháng 10 tới đón đoàn tình nguyện viên thứ hai đến làm việc.

Giám đốc Quốc gia Herrington chia sẻ về hoạt động của Chương trình Hòa bình trong buổi lễ bổ nhiệm
Giám đốc Quốc gia Herrington chia sẻ về hoạt động của Chương trình Hòa bình trong buổi lễ bổ nhiệm

Giám đốc Quốc gia mới bổ nhiệm của chương trình ông Herrington cho biết ông đã đến thăm các tình nguyện viên tại các trường nơi họ giảng dạy và thấy họ đang thích nghi rất tốt, đang dành nhiều thời gian học tiếng Việt.

Điều đặc biệt của những tình nguyện viên Peace Corps là họ sống chung với cộng đồng 24/7, cho phép họ xây dựng quan hệ khác nhiều so với những giáo viên chỉ đến giảng dạy 3 tiết mỗi tuần rồi trở về.

Một số tình nguyện viên đã được mời dự đám cưới và lễ đầy tháng của các bé sơ sinh tại địa phương, tổ chức thêm những lớp học ngoài chương trình dạy tiếng Anh tại trường, tham gia các lớp yoga và chơi thể thao cùng người dân địa phương…

Theo ông, mục tiêu đầu tiên mà Peace Corps hướng tới khi hoạt động tại Việt Nam là hỗ trợ Đề án dạy và học ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2017-2025.

Thông qua hoạt động này, Chương trình Hòa bình hướng đến mục tiêu thứ hai là xây dựng quan hệ giao lưu nhân dân, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh, người dân Việt Nam hiểu hơn về người Mỹ và thấy rằng họ không giống những gì được mô tả trên phim ảnh.

Đồng thời, các tình nguyện viên cũng sẽ giúp người Mỹ hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam ngày nay. Ông cũng tiết lộ 2 tuần nữa anh trai sẽ đến Việt Nam thăm ông sau khi được nghe kể về tình yêu của ông với nơi này.

“Sự kết hợp của 3 mục tiêu trên sẽ tạo thành sứ mệnh của chúng tôi, đó là xây dựng hòa bình và hữu nghị trên khắp thế giới”- ông khẳng định.

Kể từ khi Peace Corps được thành lập bởi Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961, đã có hơn 240.000 công dân Mỹ làm nhiệm vụ tại 143 quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 143 mà tổ chức này cử tình nguyện viên đến.

Chương trình giảng dạy Tiếng Anh tại Việt Nam của Peace Corps được thành lập từ sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng 7-2020.

Đến Việt Nam vào tháng 10-2022, nhóm 9 tình nguyện viên đầu tiên của Peace Corps đã thực hiện lễ tuyên thệ tại Hà Nội hồi cuối tháng 12-2022 để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, sẽ có thêm 20 tình nguyện viên đến giảng dạy tại Hà Nội và TP HCM.

Peace Corps hướng đến mục tiêu xây dựng quan hệ giao lưu nhân dân, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh, người dân Việt Nam hiểu hơn về người Mỹ và ngược lại.

Ngoài ra, các tình nguyện viên còn đến gần hơn với cộng đồng địa phương để xây dựng quan hệ khác nhiều so với những giáo viên chỉ đến giảng dạy 3 tiết mỗi tuần rồi trở về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm