Đắk Nông dùng 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư trung hạn làm cao tốc

(PLO)- Tỉnh Đắk Nông sử dụng nguồn đầu tư trung hạn tăng thu, tiết kiệm chi để có 1.000 tỉ đồng đối ứng cho dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Ngày 24-10, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024.

Tại đây, PV nêu câu hỏi, tỉnh Đắk Nông đã cân đối nguồn chi như thế nào để đối ứng 1.000 tỉ đồng vốn địa phương làm dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm nay đã bố trí được 225 tỉ đồng?

đầu tư trung hạn.jpg
Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông tại buổi họp báo. Ảnh: VŨ LONG

Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết đối với nguồn 1.000 tỉ đồng này được trích từ nguồn vốn đầu tư trung hạn, tăng thu tiết kiệm chi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Việc làm này không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư các công trình khác.

“Năm ngoái, tỉnh đã cấp 2,5 tỉ đồng cho Ban quản lý dự án xây dựng tỉnh để làm đường gom. Đồng thời, bố trí 60 tỉ đồng cho UBND huyện Đắk R’lấp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế, huyện chưa nhận vì chưa có mốc để triển khai.

Năm 2024, đã bố trí trong kế hoạch 225 tỉ đồng cũng từ nguồn đầu tư trung hạn để chuẩn bị sẵn sàng làm dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành” – ông Ninh thông tin.

Theo nghị quyết của Chính phủ, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Chính phủ cho phép UBND các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

đầu tư trung hạn.png
Ảnh minh họa

Khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Các địa phương xác định vị trí diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công...

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 128,8 km, chia thành năm dự án thành phần, thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT và được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 2.233 tỉ đồng (Đắk Nông khoảng 1.000 tỉ đồng, hơn 1.200 tỉ đồng của Bình Phước). Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỉ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm