Đảm bảo cuộc sống của người dân khi xảy ra thiên tai

(PLO)- Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá, hiện nay việc đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-8, tại TP.HCM, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực miền Nam.

Các lãnh đạo Bộ TNMT trao đổi thông tin tại hội thảo. Ảnh: NC

Các lãnh đạo Bộ TNMT trao đổi thông tin tại hội thảo. Ảnh: NC

Khu tái định cư cho người dân bị thiên tai chưa tạo được sinh kế

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, hạ tầng kỹ thuật và xử lý chất thải của tỉnh đã được đầu tư cải thiện, điều này giúp chủ động trong việc giải quyết, xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn. Các bệnh viện, trung tâm y tế cũng được đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hải cho biết thời gian qua, trong công tác ứng phó BĐKH và quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, hiện nay việc rà soát, di dời các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong các khu dân cư vào cụm công nghiệp, vùng tập trung triển khai còn chậm. Hơn nữa, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn chắp vá, tự phát. Việc triển khai xây dựng hệ thống đê, kè biển trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Đánh giá về khó khăn trong công tác ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, một trong những nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 24 là xây dựng tái định cư tại các cụm tuyến dân cư để người dân phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, thực tế ở địa phương đã cho thấy những khu tái định cư không tạo được sinh kế cho người dân.

"Ở tỉnh chúng tôi có rất nhiều khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai nhưng tôi khẳng định chưa có khu tái định cư nào tạo được sinh kế bằng hoặc cao hơn sinh kế cho người dân khi họ ở vùng thiên tai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này trong đó phải thừa nhận các nơi tái định cư không phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tập quán, văn hóa của người dân khi được di dời đến.

Tôi kiến nghị trong giai đoạn tới, chúng ta cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ sắp xếp dân cư để người dân ổn định cuộc sống phù hợp thực tiễn khi có thiên tai"- ông Sử nói.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC

Đầu tư cho biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế

Sau khi nghe báo cáo, tham luận của các địa phương và chuyên gia, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận những kết quả đạt được của các địa phương trong thời gian qua.

Ông Nhân cho rằng, Nghị quyết 24 ra đời là một dấu mốc rất quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

"Chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đủ "độ" để môi trường phát triển bền vững. Một trong những nguyên nhân mà ai cũng thấy là đầu tư và nguồn lực chưa đủ. Nhìn trong danh sách đầu tư công kể cả ở cấp Trung ương và địa phương thì việc đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chúng ta có nhưng chưa đồng bộ, hoàn thiện" - ông Nhân nói.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Tất cả góp ý của các địa phương, chuyên gia sẽ được ghi nhận lại. Từ đó, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, bổ sung báo cáo tổng kết. Trên cơ sở đề xuất của các đại biểu, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện và có báo cáo tổng kết, đánh giá đúng những vấn đề tồn tại, bài học và có đề xuất phù hợp".

TP.HCM sẽ thực hiện nhiều dự án để bảo vệ môi trường

Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ trong thời gian vừa qua TP đã triển khai rất nhiều giải pháp liên quan BĐKH

Cụ thể, TP đang tập trung thực hiện các dự án ngăn triều để chống ngập. Ngoài ra, TP còn triển khai cải tạo nâng cấp kênh rạch.

"TP nỗ lực trước ngày 2-9 duyệt được dự án cải tạo, nâng cấp rạch Xuyên Tâm. Đây là tuyến rạch nhiều năm nay TP đặt mục tiêu cải tạo với số vốn gần 10 ngàn tỉ. Vừa qua, TP đã cân đối được nguồn vốn"- ông Cường thông tin.

Liên quan vấn đề rác thải, chủ trương của Nghị Quyết là 80% rác thải phải chuyển sang xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện vào 2025, đây cũng là thách thức lớn cho TP.

Lý do là hiện nay những dự án đốt rác phát điện đang còn nhiều vướng mắc. Trong đó có khó khăn về công nghệ đầu tư, cơ chế phối hợp trong phát triển mạng lưới điện, nhất là quy hoạch điện VIII.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm