Theo RT ngày 22-7, trong một bức thư được phái bộ thường trực của Cộng hòa Ả Rập Syria gửi tới Liên Hiệp Quốc, Damascus đã viết chính phủ Syria khẳng định rằng những cuộc tấn công này phải chấm dứt, các thành viên của liên quân bất hợp pháp này phải chịu trách nhiệm về chính trị lẫn pháp lý trong việc phá hủy các cơ sở hạ tầng ở Cộng hòa Ả Rập Syria, bao gồm trách nhiệm bồi thường.
Thư nói rằng các cuộc không kích nhằm vào quân khủng bố của liên quân do Mỹ dẫn đầu đang tiếp tục “cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân Syria vô tội”. Damacus cũng tuyên bố các vụ ném bom này đã dẫn tới “sự phá hủy gần như toàn bộ” nhà cửa và các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó các mỏ dầu khí bị phá hủy hoàn toàn.
Thư viết tiếp, các vụ tấn công này cùng với lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp vào Syria “đang cản trở việc duy trì các cơ sở kinh tế và gây nguy hiểm cho triển vọng phát triển và tái thiết” của đất nước Syria.
Để củng cố các tuyên bố của mình, phái đoàn Syrira đã viện dẫn hai trường hợp gần đây về việc các máy bay của liên quân Mỹ phá hủy các mỏ dầu khí. Damacus cũng nhắc tới vụ ném bom ở làng Hasu Albu Awf thuộc vùng đô thị Hasakah hôm 27-5. Nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn và ít nhất tám dân thường, hầu hết là trẻ em, đã thiệt mạng sau vụ tấn công.
Hôm 21-7, liên quân do Mỹ dẫn đầu thông báo phá hủy nhiều cơ sở dầu khí ở nhiều khu vực khác nhau của Syria. Các cơ sở dầu khí này liên quân cho rằng thuộc về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhắm vào các mỏ dầu phi pháp của quân khủng bố và các cơ sở hạ tầng của nhóm thánh chiến là nền tảng trong chiến lược ở Syria của cả Washington lẫn Moscow. Tuy nhiên, trong khi Moscow phối hợp không kích với chính phủ Syria thì liên quân của Mỹ lại bị chỉ trích gay gắt vì ném bom vô tội vạ do không liên lạc với lực lượng chính phủ Syria.
Trong thư gửi tới Liên Hiệp Quốc, Damacus lần nữa nhấn mạnh rằng các chiến dịch không kích của Mỹ đang tiến hành là vi phạm luật pháp quốc tế do không được sự chấp thuận từ chính phủ Syria. TP Raqqa – thành trì của IS là mục tiêu trọng tâm của chiến dịch mà Mỹ triển khai ở Syria.
Chiến dịch Nhổ tận gốc (Operation Inherent Resolve) do Mỹ dẫn đầu trong tháng này xác nhận có tổng cộng 603 dân thường đã thiệt mạng trong chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria và Iraq. Nhưng ngược lại, nhóm Airwars trụ sở tại Anh chuyên giám sát các cuộc không kích và thương vong dân thường, tuyên bố trong tuần này họ đã ghi nhận cái chết của hơn 700 dân thường chỉ tính riêng ở Raqqa, thậm chí còn trước khi trận chiến ở TP này bắt đầu hồi tháng 6.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia về quan hệ quốc tế Jamal Wakeem, các tài liệu này không thể đẩy Washington vào “thế khó” được. Ông Wakeem nói thêm, thậm chí nếu Liên Hiệp Quốc có đứng ra “làm chủ” cho Syria, thì Mỹ với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào chống lại nước này.
Dù vậy, vị giáo sư vẫn cho rằng động thái này của Syria có thể tác động tới Mỹ, không chỉ về chính trị mà còn ở cấp độ đạo đức.