chiều 11-10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp năm 2021.
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, các đại biểu sẽ góp ý đánh giá chính xác, khách quan, thực trạng tình hình, trách nhiệm và kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp. Đồng thời đánh giá những bất cập của một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đối với Chủ tịch UBND các cấp nói riêng.
Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong phát biểu khai mạc nhắc đến kinh nghiệm khi ông còn ở địa phương.
“Ngày mà HĐND bầu tôi làm Chủ tịch tỉnh, do lịch ở địa phương công khai hết, nên dân kéo lên trụ sở UBND. Dân bảo biết ông Chủ tịch biết luật nên lên hỏi xem thế nào”, ông Châu kể.
Khi đó, Bí thư tỉnh ủy thấy dân đến đông thì ra nói bà con đi về, rồi khi nào Chủ tịch xong việc sẽ tiếp. Nhưng dân bảo: “Không, vừa bầu Chủ tịch xong rồi thì gặp luôn”.
Ông Lê Tiến Châu- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam nói khi xem xét các vụ việc của dân từ đầu cách thận trọng, khách quan thì có nhiều cái "ta làm không đúng đâu". Ảnh: MTTQ
Cuối cùng, ông Châu phải ra tiếp dân. Ông cũng biết chưa thể giải quyết ngay được các vấn đề dân nêu, nên ông nói cứ để đơn ở lại rồi ông sẽ sắp xếp lịch tiếp sau.
Theo ông Châu, quá trình xem xét các vụ việc dân khiếu nại, tố cáo thì thấy rõ là có nhiều việc nếu làm từ đầu, khách quan, thận trọng thì “có nhiều cái ta làm không đúng đâu, có những cái không khắc phục nổi”.
Có lẽ cũng chính vì vậy, nhiều địa phương đề nghị giảm bớt số lần tiếp dân hoặc ủy quyền cho cấp phó tiếp. Thực tế thì ở các địa phương, cơ quan nhà nước cũng nhiều việc.
Một vấn đề ông Châu đề nghị thảo luận là “điểm dừng” các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Như ở Hậu Giang, nơi ông làm Chủ tịch, rồi Bí thư, có nhiều vụ việc xảy ra trước khi thành lập tỉnh. Người dân cứ khiếu kiện ra cả Trung ương, Trung ương “bút phê” về cho địa phương giải quyết thỏa đáng thì địa phương phải làm.
Cũng có nhiều việc thanh tra các bộ, Thanh tra Chính phủ về lật lại thì thấy địa phương trước đây làm chưa chuẩn. Phương án là lấy ngân sách ra đền bù cho dân. Tuy vậy, cũng có những vụ việc không khắc phục được hoặc đã giải quyết thỏa đáng rồi.
“Vậy cần phải thảo luận xem “điểm dừng” ở đâu? Lúc nào dứt khoát không xem xét?”, ông Châu đặt vấn đề.
Ông Châu cũng đề nghị đánh giá thực trạng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp, từ công tác chỉ đạo đến việc bố trí trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc; chấp hành các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo...
“Có những nơi chúng tôi đi trụ sở tiếp dân rất bất tiện. Đi vào có cảnh sát bảo vệ, đi vào có dễ đâu. Phòng tiếp dân nhiều khi chật trội, nóng bức không tạo được sự thoải mái cho người dân. Cái đó nhiều khi khiến dân còn bức xúc thêm”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng cho rằng: thông thường dân bức xúc thì mới đến chủ tịch khiếu nại, vì đã giải quyết qua các phòng, ban, cơ quan rồi mà không giải quyết được vấn đề. “Chả ai rảnh mà đi gặp ông chủ tịch”, ông Châu nói.
Vì vậy, theo ông Châu, cần có sự tham mưu, tham vấn của các phòng, ban chuyên môn. Rồi các cơ quan có liên quan cũng phải phối hợp nhịp nhàng giải quyết cho dân.
“Có trường hợp khi ông luật sư nói với người khiếu nại, tố cáo thì người ta dễ tin hơn, dễ cảm thông hơn so với cán bộ. Nếu phối hợp ngay từ đầu thì rất tốt”, ông Châu nói.