“Tại sao chỉ chọn một phương án giá bán điện mà không có nhiều phương án để khách hàng tùy nghi lựa chọn?” - đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An góp ý tại buổi lấy ý kiến về việc cải tiến giá điện bán lẻ của các tỉnh miền Nam vào chiều 30-9.
Đại biểu này còn đề nghị thiết kế đồng hồ điện có hiển thị cả số tiền điện khách hàng phải trả. Nếu có thông tin này, khách hàng sẽ biết và quản lý được tiền điện mình đã xài, thay vì như lâu nay đến cuối tháng phát hóa đơn điện mới biết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng theo Luật Điện lực, giá điện được áp dụng thống nhất trên toàn quốc nên không thể có nhiều phương án. Tuy vậy, sau này khi có thị trường điện cạnh tranh thì việc này sẽ được thực hiện. “Bộ Công Thương cũng đang cân nhắc sử dụng điện kế điện tử nhằm tạo điều kiện cho người dân biết được số tiền điện đã xài. Nhưng đầu tư điện kế điện tử cần chi phí lớn, dễ làm tăng giá điện” - ông Tuấn nói.
Nhiều phương án cải tiến giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân được đề xuất nhưng vẫn chưa triệt tiêu hết các bất cập. Ảnh: CTV
Tại buổi lấy ý kiến, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án cải cách giá điện đánh giá biểu giá điện hiện tại còn bất cập. Cụ thể, số bậc quá nhiều làm khách hàng khó kiểm soát và còn làm tiền điện tăng cao (khi nhu cầu sử dụng điện tăng), gây phản ứng cho người dân. “Việc cải cách lần này nhằm khắc phục các bất cập nêu trên và bảo đảm có biểu giá điện đơn giản và công khai, minh bạch. Ngoài ra, biểu giá điện còn phải phù hợp với thực tế sử dụng và khuyến khích tiết kiệm điện” - ông Thỏa nói.
Ông Dương Văn Nhân, Hội Nông dân TP.HCM, nhận xét việc tính giá điện hiện nay khá rắc rối do được chia làm nhiều bậc, nhiều mức giá với sản lượng điện nhỏ. “Tôi đề nghị bậc thang thứ nhất nên là 100 kWh, thay vì chỉ
50 kWh. Ngoài ra, với những người sử dụng điện ít (dưới 50 kWh/tháng) thì không nên thu tiền. “Phần thưởng” này sẽ do những người tiêu thụ điện nhiều chi trả thay” - ông Nhân nói.
Tương tự, nhiều đại biểu của TP.HCM, Bến Tre cũng đề nghị giảm bớt số bậc hiện nay từ sáu còn bốn bậc.
Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện 98% hộ dân ở nông thôn đã có điện và để cấp điện cho 2% hộ còn lại cần khoảng 33.000 tỉ đồng. EVN đang cần vốn nhưng cố gắng từ nay đến giữa năm 2016 sẽ không tăng giá điện. Ngoài ra, EVN cũng đang cố gắng khắc phục một số khiếm khuyết đang tồn tại như thời gian cắt điện dài, năng suất lao động thấp hơn một số nước, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 sẽ kéo giảm tỉ lệ tổn thất điện năng từ 8% như hiện nay xuống còn 5%. |