Ông Trần Mạnh Trường, Phó phòng Quản lý đô thị TP Pleiku (Gia Lai), cho biết cơ quan này đã kiểm tra việc làm đường bê tông trái phép tại phường Chi Lăng theo chỉ đạo của UBND TP Pleiku.
Không biết ai làm đường?
Theo ông Trường, đến thời điểm hiện tại, UBND phường Chi Lăng vẫn chưa tìm được chủ đầu tư xây dựng đường trái phép trên đất nông nghiệp tại hẻm đường Nguyễn Bá Lại, phường Chi Lăng. Cũng theo ông Trường, do chưa tìm được chủ đầu tư con đường nên phường chưa có quyết định xử phạt người vi phạm. Trên cơ sở hiện trạng, phường đã thực hiện cào bóc mặt bê tông xi măng, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Liên quan đến việc làm đường bê tông trái phép, UBND TP Pleiku đã yêu cầu phê bình đối với lãnh đạo, cá nhân liên quan phường Chi Lăng để xảy ra tình trạng làm đường không phép nhưng đến nay phường vẫn chưa báo cáo kết quả.
Báo cáo lên UBND TP Pleiku, UBND phường Chi Lăng cho biết: Qua kiểm tra, xác minh, hiện không có ai thừa nhận là chủ đầu tư xây dựng con đường. Phường cũng đã thông báo, niêm yết xác minh công khai tại công trình, hội trường tổ dân phố 4, trụ sở phường. Do không có cá nhân, tổ chức nào liên hệ để giải quyết, phường đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng và tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Để tìm hiểu vấn đề này, nhiều lần PV liên hệ làm việc với lãnh đạo phường Chi Lăng nhưng đơn vị này chưa cung cấp thông tin.
Theo ghi nhận của PV mới đây, đoạn đường bê tông rộng 6 m được phường Chi Lăng cho máy ủi cào bóc một nửa mặt đường, nửa còn lại vẫn giữ nguyên bê tông. Vị trí các lô đất mới phân lô có hướng nhìn ra ruộng khá bắt mắt. Con đường bê tông này là đường cụt, điểm cuối là giữa vườn cà phê.
Không tìm ra người làm đường, phường Chi Lăng tự phá dỡ, khôi phục hiện trạng. Ảnh: LK |
Tự ý làm đườngđể phân lô, bán nền
Thời gian trước cơn sốt đất rầm rộ trên địa bàn TP Pleiku, khu đất có con đường bê tông này được một công ty có tên là GL (văn phòng trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku) quảng cáo, rao bán 18 lô đất, diện tích 531 m2/lô.
Một người tự nhận là nhân viên của công ty này “nổ” với khách hàng rằng các lô đất có vị trí đẹp, view ruộng thích hợp làm homestay, farmstay. Nếu mua đi bán lại theo kiểu “lướt sóng” vẫn đảm bảo có khoản lời mau chóng. Các lô đất tách thửa đã có sổ hồng chính chủ hẳn hoi, chỉ vài tháng sẽ được chuyển đổi lên đất thổ cư.
Theo tìm hiểu của PV, vị trí lô đất trên thuộc thửa đất số 134, tờ bản đồ số 35, tại tổ 4, phường Chi Lăng. Về nguồn gốc của lô đất nói trên, năm 2017, hộ ông ĐQO được Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) với diện tích 12.364 m2, loại đất trồng cây lâu năm (cà phê). Chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022, lô đất này nhanh chóng được chia nhỏ, tách ra thành 16 lô, diện tích mỗi lô đều hơn 500 m2 và được Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận.
Trong khi thời điểm trên, trước tình hình sốt ảo giá đất, UBND tỉnh Gia Lai rất hạn chế cho phép phân lô, tách thửa ồ ạt. Đặc biệt là việc tách thửa từ một lô đất ban đầu thành 16 lô trong thời gian ngắn.
Báo cáo với Sở TN&MT vì sao có chuyện tách thửa bất thường này, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai cho rằng: Việc tách thửa cấp giấy chứng nhận nêu trên đảm bảo hạn mức theo Quyết định 03/2020 của UBND tỉnh Gia Lai (diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất nông nghiệp là 500 m2 - PV).•
Tuyên truyền để tránh tình trạng đầu cơ, phân lô, bán nền
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Minh Sở, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết việc tách thửa trên thực hiện đúng theo Quyết định 03/2020 của UBND tỉnh.
Theo ông Sở, đối với đất nông nghiệp trong trường hợp này, định mức tối thiểu tách thửa 500 m2 là đúng quy định, một số địa phương còn phản ánh hạn mức vậy là lớn. Nếu lợi dụng việc này để chuyển sang đất phi nông nghiệp thì mới là vấn đề Nhà nước cần quản lý.
Về nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính thì việc tách thửa nhanh và sớm cho người sử dụng đất là được khuyến khích nên không thể chỉ đạo kiểm tra nội dung này. “Vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ đạo sở ban hành mấy văn bản, thực hiện thông tin đến các địa phương nhằm tuyên truyền cho người dân biết khu nào được chuyển đổi đất ở, khu nào không được để tránh tình trạng đầu cơ, phân lô, bán nền” - ông Sở nói.