Người dân cho rằng, thay vì ngăn dòng từ phía dưới hạ nguồn, Công ty Cấp thoát nước Bến Tre đã làm đập tạm ở thượng nguồn.
Theo ông Đỗ Hoàng Trọng (ấp Phú Phong, xã Quới Thành), việc làm đập như trên sẽ khiến hàng trăm hộ dân ở xã các ấp Phú Phong, Phú Hòa, Phú Thành (xã Quới Thành) và ấp Phước Hòa (xã Thành Triệu) bị mặn xâm nhập nặng.
"Nếu tiếp tục duy trì thì chúng tôi không thể dùng nguồn nước này để tưới cây và có nguy cơ cây cối trong vùng sẽ chết hết" - ông Trọng lo lắng.
Công ty Cấp nước làm đập ổn định nước ngọt ảnh hưởng lợi ích của hàng trăm hộ dân. Ảnh: T.PHÚC
Một lãnh đạo UBND huyện Châu Thành nhìn nhận việc chặn dòng này đã bỏ quên lợi ích của hàng trăm hộ dân. Bởi vì khi chặn dòng, nhiều người dân sẽ phải gánh chịu nguồn nước mặn tăng cao từ phía vàm sông Tiên Thủy (nối với sông Hàm Luông) đổ vào kênh Tre Bông.
Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, việc đặt đập tạm ở thượng nguồn kênh Tre Bông là không hợp lý. "Họ không thông báo lấy ý kiến dân và chính quyền địa phương, nên bị phản ứng là đúng" - ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, ngay trong sáng 8-3, UBND huyện đã xin ý kiến và được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, địa phương phải họp lấy ý kiến của người dân để chọn vị trí thuận lợi và di dời đập tạm này.
Hiện Trạm cấp nước tại cầu Cái Cỏ ở xã Quới Thành sắp hoàn thành, sẽ cung cấp khoảng 30.000 m3 nước/ngày đêm cho tỉnh và vùng phụ cận. Tuy nhiên, đợt hạn, mặn năm nay làm ảnh hưởng đến hoạt động của trạm cấp nước này khi bị nước mặn xâm nhập nghiêm trọng.
Vì vậy, tỉnh Bến Tre cấp cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre năm tỉ đồng để ngăn dòng, giữ nguồn nước ngọt được ổn định. Một đoạn cuối của kênh Tre Bông cũng bị chặn dòng tương tự.
Tuy nhiên, cả hai nhánh kênh này đều bị nước mặn từ phía sông Hàm Luông đổ vào, gây khó khăn cho đời sống sản xuất của người dân trong khu vực dẫn đến việc người dân phản ứng.