Bận ăn mì "Valetine đen"
Bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng do nhiều lo ngại về việc Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa để kỷ niệm ngày sinh của lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Trước động thái trên, Mỹ tuần trước cũng đã gửi một đội tàu chiến đến Hàn Quốc. Nhật Bản cũng gửi một số tàu tham gia vào đội tàu này, trong khi Trung Quốc đã chuyển 120.000 quân lính và vật tư y tế tới khu vực biên giới. Triều Tiên cũng thông báo đã sơ tán một phần tư dân ở thủ đô Bình Nhưỡng. Những động thái này cho thấy nguy cơ về một cuộc chiến tranh là rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc dường như lại không quan tâm đến việc này. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), sau nhiều thập kỷ luôn bị Triều Tiên khiêu khích, người dân Hàn Quốc đã quá quen với những mối đe dọa về chiến tranh. Điều này tương phản với những gì mà cộng đồng quốc tế đang lo ngại.
Hàn Quốc có ngày Valentine đen, những người độc thân sẽ ăn mì tương đen vào ngày này. Ảnh: AMINO
Vào ngày Black Day 14-3, ngày kỷ niệm người độc thân ở Hàn Quốc, nhiều người đã tập trung ăn món mì “jajangmyeon”, một loại mì ăn với tương đen, như một thông lệ truyền thống. Chủ đề “Black Day” cũng được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội nước này vào thời điểm đó.
“Ở ngoài Hàn Quốc, một số người lo lắng nhưng chúng tôi không cảm thấy như thế” - Choi Na-young, một nhân viên văn phòng ở trung tâm Seoul, nói trong khi đang xếp hàng mua mì jajangmyeon. “Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là cố hết sức làm việc chăm chỉ”.
Trước đó vào năm 2013, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng ở Hàn Quốc lại là về một thương hiệu mỹ phẩm vừa tuyên bố siêu giảm giá.
Các cửa hàng bán lẻ ở Seoul hiện tại cũng nói rằng không có dấu hiệu cho thấy mọi người đang tích trữ lương thực hoặc hàng hóa để chuẩn bị cho cuộc xung đột. Phát ngôn viên của siêu thị Lotte Mart nói rằng “không có chuyện hối hả mua hàng, chẳng có gì cả”.
Tờ IB Times gần đây cũng đưa ra một bài báo trích dẫn nghiên cứu của sáu chuyên gia phân tích về Triều Tiên cho rằng hành động quân sự mạnh mẽ là điều không thể xảy ra.
“Bằng cách tấn công Syria, ông Trump đã chứng minh được ông ấy sẽ giữ lời hứa của mình. Vì vậy, ông ấy không cần phải chứng minh nữa bằng cách tấn công Triều Tiên… Tôi nghĩ rằng Kim Jong-un sẽ nhận được thông điệp và ngừng thử nghiệm hạt nhân trong một thời gian” - một thương gia ở Seoul nhận xét.
Không lo sợ chiến tranh
Theo phân tích của SCMP, có một mối nguy hiểm thực tế mà nhiều người Hàn Quốc dường như đã bỏ qua, đó là thái độ của Mỹ đối với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây nói rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của nước này đối với Triều Tiên đã chấm dứt. Trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng bác bỏ khả năng hai nước trở lại đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tất cả các lựa chọn đối phó đều sẽ được đem ra bàn bạc.
Mặc cho tình hình căng thẳng, hầu hết người Hàn Quốc vẫn không hề e ngại. Nhiều người chỉ đơn giản là không theo dõi chặt chẽ chính trị, hoặc không quan tâm, hoặc là họ không bị thuyết phục về những nguy cơ căng thẳng đang tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.
Nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng Triều Tiên chỉ đang sử dụng chương trình hạt nhân để mặc cả với các quốc gia khác. Ảnh: AFP
Còn theo ông Park Myoung-kyu, giáo sư xã hội học tại ĐH Quốc gia Seoul, người Hàn Quốc có lý do của mình để không lo lắng về nguy cơ chiến tranh. “Người Hàn Quốc đã sống hơn năm thập niên với những tình huống xung đột. Người Hàn Quốc đã trải qua nhiều tình huống đối đầu quân sự giữa hai miền Nam Bắc. Vì vậy, chúng tôi không lo lắng nhiều như vậy” - ông Park nói.
Giáo sư Park cũng lưu ý rằng chủ nghĩa đa văn hóa ngày càng tăng ở Hàn Quốc đóng vai trò như một lá chắn và có lẽ chính điều này cũng góp phần khiến người Hàn Quốc ít lo lắng hơn. “Có rất nhiều người Mỹ và người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc, vì vậy không bên nào, Bình Nhưỡng hay Washington, có thể hành động quân sự dẫn đến thương vong ở Hàn Quốc” -ông Park nhận định.
Tuy nhiên, vị giáo sư cũng thừa nhận rằng người Hàn Quốc cũng đang quan tâm tới vấn đề này, trong khi những người nước ngoài sống tại nước này lại ít thấy sợ hãi hơn.
Một khả năng khác để lý giải là người Hàn Quốc đều nghĩ rằng Triều Tiên sẽ chỉ thử tên lửa để làm điều kiện mặc cả với các quốc gia khác, chứ họ không đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhiều người Hàn Quốc cũng cho rằng các phương tiện truyền thông bảo thủ trong nước đang làm quá nguy cơ chiến tranh để tập hợp sự ủng hộ dành cho đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới. Truyền thông Mỹ có thể cũng có động thái tương tự, bởi vì ứng cử viên tổng thống tự do hàng đầu, ông Moon Jae-in, nếu như đắc cử chắc chắn sẽ có mối quan hệ không mặn mà với Mỹ. Có lẽ để ngăn chặn điều này, Mỹ đang thổi phồng nguy cơ chiến tranh.
“Thường thì những người càng ở xa Hàn Quốc và Triều Tiên lại càng mong đợi chiến tranh xảy ra” - ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên ở ĐH Kookmin, Seoul nhận xét.