Sự thiếu tính toán đã khiến chúng ta phải trả giá đắt. Nó đắt đến độ nhiều vị lãnh đạo đất nước phải thốt lên rằng “không thể đánh đổi môi trường chỉ vì lợi ích kinh tế”.
Nhìn tình cảnh người dân Quảng Nam đang phải hứng lấy khói, bụi thép từ Nhà máy thép Việt Pháp đặt tại KCN Thương Tín 1 (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), chúng ta càng thấy cái giá cho việc quy hoạch thiếu tầm nhìn là vô cùng lớn.
Trong cuộc họp báo chiều 13-10, chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận trước đây khi huyện Điện Bàn làm quy hoạch KCN Thương Tín 1 đã đặt nó quá gần khu dân cư và để sửa sai lầm này, phải di dời Nhà máy thép Việt Pháp ra khu vực phù hợp hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cũng cho hay từ năm 2010 tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép đầu tư dự án tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Tuy nhiên, khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây ra tiếng ồn và khí thải từ ống khói, mặt khác do gần với khu vực đông dân cư nên gặp phải sự phản đối của người dân. Không dừng lại ở đó, nhiều nhà máy đang được tính toán để di dời khỏi KCN này vì lo ngại vấn đề ô nhiễm.
Như vậy rất rõ ràng là sức sống của Cụm công nghiệp Thương Tín 1 thực sự chỉ có tuổi thọ được hơn một nhiệm kỳ, khi chứa trong nó là hàng loạt nhà máy có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư gần đó.
Rồi chính quyền lại tính đến chuyện dời nhà máy đến một địa điểm khác để “phù hợp với quy hoạch”. Khốn nỗi, cái địa điểm được cho là “phù hợp” này không đâu khác chính là thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), khu vực đầu nguồn sông Vu Gia. Đây là nơi cung cấp nguồn nước cho hàng triệu người dân vùng bắc Quảng Nam và người dân TP Đà Nẵng.
Điều gì sẽ xảy ra khi có hàng chục nhà máy, xí nghiệp “chạy trốn” ô nhiễm từ đồng bằng lên đặt tại thượng nguồn dòng sông này? Ai sẽ giám sát vấn đề xả thải của cụm công nghiệp này khi nó chính thức đi vào hoạt động. Giả sử vì vô tình hay cố ý, một nhà máy nào đó xả thải ra dòng sông mẹ Vu Gia thì điều gì sẽ xảy ra với cả triệu dân Đà Nẵng-bắc Quảng Nam. Thật khó có thể tưởng tượng hết hậu quả.
Vậy việc quy hoạch cả một cụm công nghiệp tại thượng nguồn sông của tỉnh Quảng Nam có hợp lý? Liệu đây có phải là sai lầm tiếp theo sự sai lầm khi quy hoạch nhà máy thép ở KCN Thương Tín 1?
Hơn ai hết tỉnh Quảng Nam phải tính toán một cách hết sức khoa học và chặt chẽ vấn đề này. Nhất thiết trong tính toán đó phải lấy vấn đề môi trường sống của người dân làm trọng, không vì những lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi sinh - điều con người ta rất dễ phá đi nhưng tái tạo là vô cùng khó, có khi là không bao giờ!