Xuất khẩu thanh long gặp khó
Theo đó, tác động trước mắt là để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các cửa khẩu thuộc địa bàn thị trấn Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8-2-2020. Riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3-2-2020.
Tác động trên khiến những lô hàng nông sản của ta đi lên biên giới hiện đang ách tắc vì không thông quan được. Không chỉ ách tắc đường bộ, mà việc xuất khẩu bằng đường biển cũng bị đóng lại.
Cụ thể, tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 (Lạng Sơn), phía Ban Quản lý cửa khẩu Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng thông quan đến hết ngày 8-2.
Tại đây, còn 117 xe thanh long chưa được làm thủ tục thông quan. Tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 9 (Lào Cai), có khoảng 150 xe thanh long đang ùn ứ chưa được thông quan, một số xe dưa hấu đã quay đầu để tiêu thụ nội địa.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, do những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) xảy ra tại Vũ Hán, Trung Quốc khiến hệ thống nhà hàng, khách sạn của Trung Quốc giảm nhu cầu ăn uống, sức mua giảm.
Điều đó dẫn tới có một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc chuyên cung ứng nông sản, nhất là trái cây cho tỉnh Vũ Hán như tập đoàn Hồng Thái Dương đang nhập khoảng 40% thanh long ruột đỏ của tỉnh Long An cũng gặp khó khăn trong việc thu mua. Khó khăn trên khiến doanh nghiệp phải hủy khoảng 300 container với 6.000 tấn đã đặt hàng với nông dân từ trước đó. Ngoài ra, tốc độ thu mua của nhiều doanh nghiệp khác cũng rất chậm.
"Mặc dù công ty rất tích cực hỗ trợ đền bù cho người dân với khoảng 50 triệu đồng/container, nhưng so về giá trị vẫn chưa tương xứng với giá trị đã giao kết", ông Toản cho hay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Hàng trước tết xuất qua vẫn còn y nguyên như thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn... vì người dân Trung Quốc sợ dịch bệnh không dám đi chợ, đi siêu thị, là những nơi tập trung đông người. Thương lái người Trung Quốc bắt đầu hủy các đơn đặt hàng trước đó.
Theo ông Nguyên, trong số những mặt hàng trái cây trên, ảnh hưởng nặng nhất là thanh long. Trước tết, bán tại vườn được hơn 30.000 đồng/kg thì nay hạ giá còn 4.000-5.000 đồng/kg vẫn không ai mua.
Hơn 21.000 tấn thanh long đang thu hoạch
Trong khi còn khoảng 267 xe thanh long đang ùn ứ trên biên giới vì không thể thông quan thì thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, qua rà soát, đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ tại các tỉnh từ nay đến hết ngày 8-2 (ngày cửa khẩu thông quan-PV) còn khoảng 21.600 tấn; từ 8-2 đến 28-2 khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3-2020 tỉnh Tiền Giang thu hoạch tiếp 10.000 tấn.
Riêng các vùng trồng thanh long tại Bình Thuận và Tiền Giang chưa chịu ảnh hưởng vì chưa đến lịch thu hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lo ngại, lịch làm việc của người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu trở lại từ ngày 9-2, các cửa khẩu quốc tế sẽ làm việc bình thường từ ngày 3-2.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các chợ đầu mối chưa mở trở lại. "Đó là nút thắt, chợ chưa mở, người chưa đến là hàng hóa có sang cũng không tiêu thụ được", ông Toản cho biết.
Trước tình hình trên, trong ngày 31-1, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài về vấn đề này. Tại cuộc họp, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần xây dựng kịch bản xuất khẩu với ba mức: thuận lợi, có thể khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trước tết, bán thanh long tại vườn được hơn 30.000 đồng/kg thì nay hạ giá còn 4.000-5.000 đồng/kg vẫn ít người mua. Ảnh: An Hiền
Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng tổ chức họp khẩn với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để đánh giá tác động từ dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian tới dịch nCoV sẽ gây ảnh hưởng cả ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước.
Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.
Được biết, hiện Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ tại các nước đã chính thức cho phép nhập khẩu thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) của Việt Nam chủ động trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín ở nước sở tại để kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.
Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương về hệ thống các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương làm việc với hệ thống logicstic Việt Nam, đặc biệt là các kho lạnh để giúp các doanh nghiệp bảo quản nông sản trong khi chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.
Trao đổi thêm, ông Toản cho biết Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản gửi các địa phương trọng điểm rà soát lại từng cơ cấu sản phẩm trái cây theo lịch thời vụ chi tiết, cụ thể. Đề nghị các doanh nghiệp đầu tầu, doanh nghiệp chế biến tăng cường công suất chế biến, thu mua, sơ chế, lưu kho. Đồng thời tập trung đa dạng hóa các thị trường. Ngay trong tháng 2-2020 một đoàn công tác của Bộ sẽ sang Dubai để xúc tiến thị trường.
Người dân nên ký kết hợp đồng với đối tác thu mua Bộ NN&PTNT khuyến cáo, người dân nên ký kết hợp đồng với các đối tác thu mua, vì như vậy nếu đối tác hủy hợp đồng trong trường hợp có dịch bệnh thì vẫn sẽ có bảo hiểm, đền bù hợp đồng, hỗ trợ phần nào thiệt hại. |