Sáng 30-9, khoảng 50 người dân đã kéo đến trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) rút tiền gửi nhưng chẳng ai rút được đồng nào.
Bà Lê Thị Như ngụ khu vực 4, phường 4, TP Vị Thanh cho biết bà gửi 170 triệu đồng tiết kiệm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang và gia đình đang cần tiền để mua xe làm ăn. “Nhiều lần tôi đến để rút tiền thì cán bộ ở đây đều hứa hẹn cho rút, họ còn làm giấy cam kết nhưng lần nào quay lại tôi cũng không rút được tiền. Tiền lãi ba tháng nay cũng chưa thanh toán” - bà Như nói.
Tương tự, ông Trần Văn Bảy ở phường 7, TP Vị Thanh cũng bị Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang hứa trả 115 triệu đồng nhiều lần nhưng đến nay ông chẳng rút được đồng nào…
Theo tìm hiểu, đa số người dân gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang là sử dụng nguồn tiền mà họ được đền bù đất đai, hoa màu… khi giải phóng mặt bằng và gửi tiết kiệm lấy lãi.
Người dân tập trung trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang rút tiền nhưng phải ra về tay không. Ảnh: KIẾN HÒA
Người gửi tiền bức xúc vì Quỹ tín dụng không trả tiền vốn, tiền lãi cũng không đoái hoài nên kéo đến yêu cầu phải có câu trả lời thỏa đáng.
Lý giải về việc không trả tiền cho người dân, ông Bùi Chí Linh - Phó Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang cho biết: Đơn vị đang gặp khó khăn, số tiền cho vay ra khoảng 60 tỉ đồng chưa thu hồi được, đang nhờ công an hỗ trợ thu hồi. Số tiền thiếu bà con quá hạn khoảng 20 tỉ đồng và chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết cả gốc và lãi cho bà con trong tuần này.
Dù lãnh đạo Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang đã hứa trả tiền nhưng người dân không tin vì họ cho rằng đã bị “cho leo cây” nhiều lần. Mãi đến trưa người dân mới tạm giải tán và không ai rút được tiền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng người dân đòi tiền đã quá hạn là chính đáng. “Tỉnh đã dự liệu tình hình và đã làm việc với phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hậu Giang để nơi đây đề nghị về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ cho vay để sớm trả tiền cho người dân. Cũng theo ông Khoa, Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang ba năm qua mất cân đối, lâm vào tình trạng nợ xấu, gần như bể nợ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành tái cơ cấu nhưng không hiệu quả. Tỉnh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang thanh kiểm tra và có hướng xử lý phù hợp” - ông Khoa nói.
GIA TUỆ - KIẾN HÒA