Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn 05 thực hiện một số điều trong Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Điểm đáng chú ý được nêu trong hướng dẫn này là việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Cụ thể, theo Quy định 69, đảng viên giữ chức vụ bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 các Điều từ 25 đến 56 thì bị xem xét kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Tuy nhiên, theo Hướng dẫn 05, các đảng viên giữ chức vụ đã bị kỷ luật mà tái phạm vi phạm thì sẽ bị cách chức.
Việc kỷ luật cách chức cũng được thực hiện trong trường hợp đảng viên vi phạm trong phạm vi, lĩnh vực chuyên môn được giao; biết sai mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình lãnh đạo, quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng. Đã được tổ chức đảng cấp trên chẩn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm nhưng vẫn để vi phạm tiếp diễn. Kỷ luật cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng thì căn cử vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm để xem xét, quyết định.
Hướng dẫn cũng nêu rõ hơn về một số vi phạm. Đơn cử, đối với vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ, hướng dẫn đã bổ sung nội dung không chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong sinh hoạt, công tác; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm; làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Vi phạm những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.
Điều 26 về vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hướng dẫn nêu ra các vi phạm trong chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện không kịp thời, không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và quy định của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Không xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo nhiệm vụ được giao. Không phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch mang tính hình thức dẫn đến vi phạm của tổ chức hoặc đảng viên.
Ngoài ra còn có các vi phạm trong việc quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Ghi chép, phản ánh thông tin không trung thực các ý kiến phát biểu thảo luận của đảng viên, kết luận của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.
Tại Điều 28 về vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn, hướng dẫn cũng nêu rõ vi phạm về việc tự ý liên hệ với tổ chức, cá nhân để thực hiện viết bải, cập nhật thông tin không theo chương trinh, kế hoạch công tác, không đúng tôn chỉ, mục đích của ngành; có hành vi đe dọa, sách nhiễu, gây khó dễ, yêu sách về viết bải, đăng tải, gỡ bài, chia sẻ thông tin đối với tổ chức, cá nhân để nhận tiền, vật chất có giá trị hoặc lợi ích khác; có hành vi vi phạm bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính…
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2), Hướng dẫn nêu rõ trường hợp xem xét kỷ luật theo đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền thì phải xác minh, làm rõ vi phạm trước khi xem xét, quyết định hoặc đề nghị xem xét kỷ luật.
Thời gian chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên khi có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật được tính cả thời gian đã chấp hành của các quyết định kỷ luật trước đó (tính đủ 12 tháng).
Mời bạn đọc xem toàn văn Hướng dẫn 05 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương TẠI ĐÂY.