Ngày 16-11, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp với Trường Chính trị hành chính thủ đô Viêng Chăn (Lào), tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Có người thân xúi giục đảng viên làm sai
Tại hội thảo, TS Đặng Trí Thủ, Hiệu trưởng trường chính trị tỉnh Cà Mau, cho rằng phải có cơ chế đủ mạnh để người dân tự tin phản ánh ý kiến đối với cán bộ, đảng viên có hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. Cạnh đó phải tuyên truyền để người dân biết được việc giám sát cán bộ đảng viên là trách nhiệm và quyền lợi của người dân.
“Quyền lợi nằm ở đâu khi người dân giám sát cán bộ, đảng viên?” - TS Đặng Trí Thủ đặt vấn đề và cho rằng khi cán bộ, đảng viên sai phạm, hạn chế thì phải được nhắc nhở, chấn chỉnh để nâng cao chất lượng đảng viên, giúp họ có những quyết định, cách làm hay, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
TS Đặng Trí Thủ cũng đề xuất trách nhiệm giám sát của đồng nghiệp, cán bộ, đảng viên. Ông cho rằng đây là những người công tác cùng, hiểu rõ lề lối làm việc, năng lực công tác nên có thể nhắc nhở, chấn chỉnh, giúp đồng chí cùng tiến bộ.
Phương thuốc đặc trị cán bộ quan liêu là giám sát
Không phải ngẫu nhiên mà Đảng nhấn mạnh vai trò giám sát của người dân đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời, yêu cầu cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử phải thường xuyên, trực tiếp đối thoại, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của dân.
Trong thực tế có không ít đảng viên không quan tâm đến người dân, làm cho niềm tin của người dân không còn như trước.
Phương thuốc đặc trị cho việc cán bộ không muốn gần dân, quan liêu, hách dịch, chỉ có thể là tăng cường vai trò giám sát của người dân, giúp cán bộ thấy rõ mình hơn, khắc phục điểm yếu của mình. Bên cạnh đó, cần phải khơi dậy sức mạnh người dân trong phát hiện, tố cáo những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên.
PGS.TS TRƯƠNG THỊ HIỀN, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM
Ông cũng nêu trách nhiệm giám sát của người thân trong gia đình cán bộ, đảng viên. “Khi thấy có những bất thường về tài sản thì phải tìm hiểu xem có chính đáng không để có những nhắc nhở, bảo vệ người thân mình” – TS Thủ nói.
Ông cho biết thời gian qua một số cán bộ, đảng viên sai phạm, bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý, trong đó có một phần là do gia đình chưa giám sát chặt chẽ. Thậm chí có người còn xúi giục người thân làm sai.
Dù vậy, ông cho rằng quan trọng nhất vẫn là mỗi cán bộ tự giám sát mình, tự kiểm điểm bản thân, “tự soi, tự sửa”, nhất là lãnh đạo, quản lý.
“Người có quyền lực dễ chủ quan vì người dưới quyền không dám cãi mình, thậm chí ca ngợi, nâng lên nên mình thấy như là thánh, xa rời thực tế” – TS Thủ nói thêm.
Đảng viên không ngay ngắn thì không thể nói dân nghe
Ông Trần Bá Hà, Bí thư khu phố 1 (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), cho rằng ở cơ sở, đảng viên, cấp uỷ không gương mẫu, không ngay ngắn thì không thể tuyên truyền, vận động người dân được, không thể nói dân nghe, không thể làm phong trào.
“Câu khen hay nhất đối với đảng viên ở cơ sở là ‘ông ấy đúng là đảng viên’, còn câu chê cay đắng nhất là ‘thế mà cũng là đảng viên’” – ông Hà chia sẻ và nhìn nhận muốn vận động, tập hợp người dân thì chi bộ phải trong sạch, vững mạnh, phải làm sao khơi dậy được người dân dám nói lên suy nghĩ thật của mình.
Ông Hà nói khi người dân không tin thì không làm được nhưng dân tin rồi mà khơi gợi để họ nói cũng không dễ dàng gì. Do đó, ông đề nghị khi người dân đóng góp ý kiến thì cán bộ, đảng viên phải tiếp thu thiện chí, đầy đủ, có trách nhiệm.
Ông Trần Bá Hà cũng đề nghị kiểm soát thu nhập và tài sản của cán bộ, đảng viên tốt hơn, nhất là người có chức quyền. “Trong kinh tế thị trường không có bữa trưa miễn phí, có lợi thì mới làm, cái lợi đó có thể là đúng đắn nhưng cũng có thể là không đúng đắn” – ông Hà nói và cho rằng muốn giữ đảng viên trong sạch thì phải kiểm soát thu nhập, tài sản công khai, minh bạch hơn.
‘Dân giám sát’ giúp phát hiện cán bộ tham nhũng
“Dân giám sát” là nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ đó, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để cảnh tỉnh, nhắc nhở cán bộ, đảng viên tránh được những sai phạm đáng tiếc xảy ra.
Cán bộ, đảng viên được người dân giám sát sẽ giúp họ tránh được sai lầm, giúp họ tiến bộ và ngày càng phục vụ người dân tốt hơn. Do đó, cần có những biện pháp phù hợp để người dân giám sát đến cùng.
Thời gian qua, vai trò giám sát của người dân đã góp phần phát hiện những chủ trương không được triển khai hiệu quả, còn ách tắc, chậm trễ. Đặc biệt là phát hiện cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực để phản ánh cho tổ chức đảng kiểm tra và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, vai trò giám sát, phản biện ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.
TS TRẦN THỊ HÀ VÂN, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM