Sinh thời, ông là họa sĩ luôn có tác phẩm được người đời săn đón. Tranh của ông bán chạy đến độ không kịp vẽ. Được mệnh danh là "vua sơn mài", kể từ khi ông tạ thế, thời gian cũng đã ngót 20 năm, song danh hiệu ấy hiện vẫn còn... bỏ trống.
Danh họa Nguyễn Gia Trí.
Có thể nói, Nguyễn Gia Trí đã và vẫn là họa sĩ lập kỉ lục về việc có tác phẩm được mua với giá cao nhất trong các họa sĩ Việt Nam từ trước tới nay...
Danh họa Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại xã Trường An, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Anh trai ông là GS Nguyễn Gia Tường, nguyên Hiệu trưởng Trường Bưởi Hà Nội; em trai ông là kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của Việt Nam... Nguyễn Gia Trí là người phát lộ tài năng từ rất sớm, và cũng sớm được người đời công nhận. Tuy nhiên, ông là người ghét lối sống khuôn phép. Chuyện kể rằng, năm 1928, Nguyễn Gia Trí theo học khóa V Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tại đây, chỉ đến năm thứ hai, ông bỏ học về mở xưởng vẽ riêng (sau nghe bạn bè khuyên nhủ, ông trở lại trường, trở thành sinh viên khóa VII). Có người đưa ra lý do của việc Nguyễn Gia Trí bỏ học, ấy là do Hiệu trưởng của trường - họa sĩ Victor Tardieu - tuy phục tài nhưng không ưa cá tính của người họa sĩ trẻ. Những lần có khách tới thăm trường, ông này thường cố tình đứng che tranh của Nguyễn Gia Trí.
Bản thân Nguyễn Gia Trí sau này cũng tiết lộ: "Học đến năm thứ hai, tôi không chịu được nhà trường nên bỏ. Sau vì có khoa sơn mài nên học lại. Giờ académique (vẽ hàn lâm) buổi sáng là một cực hình. Chỉ mong đến chiều để làm sơn mài". Như vậy, bên cạnh lý do "không chịu được nhà trường" thì lý do cơ bản dẫn tới việc Nguyễn Gia Trí không tha thiết với việc học là vì ông thích làm tranh sơn mài hơn. Chính thiên hướng độc đáo này đã giúp Nguyễn Gia Trí trở thành người đi đầu trong việc mở ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam mà sau này ta gọi là nghệ thuật sơn mài.
Du khách trước bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của Nguyễn Gia Trí.
Với các chất liệu: sơn than, son, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một sức hàm chứa ít ai ngờ tới. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, xem tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã phải nức nỏm: "Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng đổi cả thể chất thành quý vật". Cũng theo ý kiến của Tô Ngọc Vân thì với việc ra đời những kiệt tác tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, "Lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở đó, ở tâm hồn người ấy (tức Nguyễn Gia Trí) ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng".
Đến nay, có thể nói, tất cả các họa sĩ sơn mài đều bái phục tài "luyện vỏ trứng" của Nguyễn Gia Trí (hiện họa sĩ Bùi Quang Ngọc còn giữ được bức tranh "Thiếu nữ bên đầm sen" của Nguyễn Gia Trí, một tác phẩm sơn mài được xác định là đầu tiên của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cẩn vỏ trứng lên mặt người). Mặc dù những năm cuối đời, Nguyễn Gia Trí từng hé lộ với một "đệ tử" của mình về bí quyết xử lý vỏ trứng, song đến nay cũng chưa ai học được bí quyết "mài bạt" vỏ trứng của ông. Đây cũng là lý do để các nhà nghiên cứu mỹ thuật đi đến kết luận: Khó ai có thể làm giả được tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí.
Nguyễn Gia Trí là người rất khe khắt với nghề. Hiếm khi nào ông thỏa mãn với một bức tranh của mình. Nhiều người đã biết, vẽ tranh sơn mài khá... tốn, bởi nó phải sử dụng đến cả chất liệu vàng, bạc. Song với Nguyễn Gia Trí, dù tốn đến mấy, một khi còn cấn cá, ông vẫn sẵn sàng phá bỏ hết để làm lại. Chẳng thế mà không ít lần vợ ông phải đem giấu các bức tranh của ông đi để giao cho khách, bởi nếu còn trông thấy, kiểu gì ông cũng đòi... sửa tiếp.
Nguyễn Gia Trí quan niệm: "Vẽ sơn mài có lúc như thợ mộc, có lúc như thợ cày". Nhà văn Kim Lân, người từng "phụ việc" cho Nguyễn Gia Trí ở xưởng vẽ của ông ở làng Thịnh Hào, Ngã Tư Sở (thời kỳ trước Cách mạng) từng kể, hình ảnh mà ông nhớ nhất ở "ông chủ" của mình là hình ảnh ông ngồi sụp xuống đất mài tranh trong xưởng vẽ. Còn bà vợ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thì nhớ nhất hình ảnh đức lang quân của mình thức tới 1- 2h sáng để làm tranh. Có đêm bà sang xưởng mời ông về ngủ thì thấy chồng mình đã thiếp đi tự lúc nào trên chiếc giường sắt vốn chỉ dành cho người... nhà binh. Thật khó để dứt ông ra khỏi công việc. Hầu như mỗi lần bà rủ chồng đi chơi đâu đó, câu trả lời thường trực của ông là: "Bà đi đi, để tôi trông nhà cho".
Nghiêm khắc, khổ công với nghề, Nguyễn Gia Trí cũng là một tấm gương sáng về việc giữ vững khí chất của kẻ sĩ. Chuyện kể rằng, khi thực hiện bức tranh "Ba Vua" về đề tài Giáng sinh do Ngô Đình Diệm "đặt hàng" để làm quà tặng cho Tòa thánh Vatican, khó chịu vì sự "góp ý" không lọt tai của vị Tổng thống, nhà danh họa đã thoái thác không giao tranh cho ông ta nữa mà tặng lại cho một nhà văn trẻ. Lại có lần, "bà cố vấn" Trần Lệ Xuân định mua tặng Nhật hoàng mấy bức tranh sơn mài khổ lớn của Nguyễn Gia Trí lưu tại Thư viện Quốc gia TP HCM, song việc không thành vì họa sĩ kiên quyết yêu cầu phải để những bức tranh này lại trong nước.
Như ở đầu bài đã nói, Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ rất "đắt khách". Ngay từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, tranh của ông đã được các bậc sành điệu đặt hàng thường xuyên, khiến họa sĩ trẻ lúc nào cũng trong tình trạng làm không hết việc. Nhiều vị khách Tây đặt hàng ông ngay từ khi họ mới trông thấy phác thảo. Vợ chồng Công sứ Pháp Cresson còn lặn lội vào tận nhà ông ở Thịnh Hào để lấy tranh. Thậm chí, tranh của Nguyễn Gia Trí còn được bán theo phương thức đo bằng carê (centimét vuông; tranh kích cỡ càng lớn thì số tiền càng lớn). Đây có lẽ là trường hợp duy nhất ở Việt Nam mà giá một bức tranh được tính theo cách này và trong thực tế, đã rất nhiều lần Nguyễn Gia Trí phải từ chối đơn đặt hàng của khách.
Nhắc tới tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, người đời thường nhớ tới các bức: "Chải tóc", "Cảnh thiên thai", "Thiếu nữ trong vườn", "Thiếu nữ bên hoa phù dung", "Vườn xuân", "Bên Hồ Gươm", "Chùa Thầy", "Vườn xuân Trung Nam Bắc"... Trong các tác phẩm này, bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" từng được UBND TP Hồ Chí Minh mua lại vào năm 1991 với giá 600 triệu đồng (tương đương 100.000 đôla), một mức giá kỷ lục dành cho tranh Việt Nam tính đến thời điểm ấy. Bức "Thiếu nữ bên hoa phù dung" từng được treo ở Phủ Chủ tịch (thời kỳ sau 1954). Bức "Thiếu nữ trong vườn" từng được "chép" lại (sang khổ lớn hơn) để trang trí cho một gian phòng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Bức "Giáng sinh" do Nguyễn Gia Trí thực hiện từ năm 1941, mặc dù một thời bị dùng làm... bảng viết, song sau này đã được một vị Khâm sứ của Tòa thánh Vatican ngỏ ý muốn mua lại với giá 1 triệu đồng (tiền Sài Gòn cũ) - một cái giá thuộc dạng cao... ngất ngưởng.
Trái ngược với khả năng kiếm tiền, trong thực tế Nguyễn Gia Trí lại là người có lối sống rất giản dị, có thể nói là thanh đạm. Theo người nhà ông cho biết, mặc dù có lúc tiền ào ào chảy đến nhiều như nước, song ngoài việc dùng để "tái đầu tư" cho các chất liệu vẽ, hầu như nhà họa sĩ chẳng có nhu cầu tiêu pha gì. Căn nhà ông ở khá tuềnh toàng, nhiều năm chẳng sửa sang. Khi bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" bán rồi, nhân lúc ông nằm viện, con cái ông lấy tiền xây nhà mới. Khi trở về, nhìn căn nhà, ông giãy nảy: "Đây không phải nhà tôi". Tới khi biết đó chính là ngôi nhà cũ của mình, ông thở dài: "Thế này thì bạn bè làm sao biết là nhà tôi mà đến chơi".
Danh họa Nguyễn Gia Trí trút hơi thở cuối cùng vào ngày 20/6/1993 tại TP HCM. Được biết, trước đấy, khi một phóng viên báo chí hỏi vì lý do gì mà ông lại đi theo con đường hội họa, nhà họa sĩ bậc thầy đã trả lời một câu gọn lỏn: "Nghịch mà vẽ". Kỳ thực, cuộc đời hết mình cống hiến cho nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí đã chứng minh rằng, nghệ thuật đích thực không bao giờ là một trò chơi.
Theo Nguyễn Hiếu (VNCA)