Bắt đầu từ hôm nay (6-11), Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6.
Tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đặt vấn đề về phát triển nhà ở xã hội. Bà Hương cho rằng đây là chủ trương nhân văn và phân khúc này đáp ứng nhu cầu ở thực của người lao động. Tuy nhiên, gói hỗ trợ tín dụng 120 ngàn tỉ đồng với loại hình nhà ở này hiện mới chỉ giải ngân được khoảng 100 tỉ đồng.
“Ở góc độ ngân hàng, theo thống đốc đâu là khó khăn, vướng mắc và thống đốc đã đề xuất giải pháp gì với Chính phủ để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?” - bà Hương đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng cho vay đối với người có thu nhập thấp và công nhân để tiến tới mục tiêu có 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Gói này được sử dụng từ nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng và từ người dân. Lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn lực của các ngân hàng tham gia.
Ngay khi có nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện.
Đồng thời có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể xây dựng và công bố những dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này. Các tổ chức tín dụng cũng đã được chỉ đạo phải ban hành các quy trình nội bộ để triển khai gói này.
Đến nay, có 18/63 UBND tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia và công bố trên cổng thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỉ đồng cho ba dự án ở ba tỉnh thành.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân gói này vẫn còn hạn chế.
Thứ nhất, nguồn cung về nhà ở thuộc đối tượng của chương trình này còn hạn chế. Đặc biệt là cầu, nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng quyết định đi vay để mua nhà lại là một câu chuyện khác, khiến người dân phải hết sức cân nhắc.
Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội hiện nay còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Đơn cử như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, quy định chưa có nhà ở... thì mới được mua.
Thứ ba, chương trình này thực hiện trong một thời gian dài 10 năm và các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân sẽ theo thời gian nên lượng giải ngân vẫn còn thấp.
Từ những hạn chế trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong UBND các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể sớm công bố các dự án nhà ở thuộc vào chương trình này để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai.