Tại TP Cần Thơ, ghi nhận tại khoa Sốt xuất huyết (SXH) BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho thấy có ngày số bệnh nhi nhập viện lên đến 90 ca. Tính trong tám tháng đầu năm 2015, TP Cần Thơ có 352 ca mắc SXH, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh SXH tập trung cao ở các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ.
Tại tỉnh Sóc Trăng có hơn 1.060 trường hợp SXH tính từ đầu năm đến nay, tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 52 trường hợp mắc SXH nặng. Địa phương có SXH bùng phát mạnh nhất là thị xã Vĩnh Châu với hơn 600 trường hợp mắc.
Tại tỉnh Tiền Giang, đến trung tuần tháng 9 đã phát hiện trên 700 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 73% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó số ca nặng chiếm gần 6%. Địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất là Gò Công Đông, TP Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, thị xã Gò Công... Hiện nay, tại khoa Nhi của BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang, mỗi tuần tiếp nhận hàng chục ca bệnh SXH, đa số là trẻ em.
Theo giám sát của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL, số ca SXH chưa giảm do tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các vật dụng chứa nước có lăng quăng; ý thức vệ sinh môi trường của người dân ở vùng xảy ra dịch chưa cao.
Trước tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương diễn biến khá phức tạp và có khả năng tăng cao, chính quyền địa phương đã có kế hoạch phòng bệnh; tập trung tuyên truyền, tư vấn nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống bệnh. BS Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện chúng tôi đang triển khai, tổ chức dập dịch; tổ chức diệt lăng quăng tại cộng đồng. Đồng thời phối hợp với ban chỉ đạo các huyện để tổ chức cho các cơ sở y tế, trạm y tế tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp bệnh, các ổ dịch; tổ chức phun hóa chất, khuyến cáo người dân loại bỏ những vật chứa nước có lăng quăng”.
VĨNH BÌNH