Để không còn mùa dưa hấu ‘đắng’

Dưa hấu chín rục ngoài ruộng, giá chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg nhưng không thương lái nào chịu mua.

Không chỉ dưa hấu mà thanh long, vải thiều hay nhiều loại nông sản khác, câu chuyện “được mùa, mất giá” đã quá quen thuộc trong những năm qua. Nó như căn bệnh “nan y” đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam mà chưa có giải pháp tối ưu.

Có lẽ điểm “mới” nhất của vụ dưa hấu năm nay là Bộ Công Thương có quyết định mua một xe tải dưa hấu từ cửa khẩu về bán tại Hà Nội để chia sẻ khó khăn với nông dân.

Việc làm của Bộ Công Thương (cơ quan có trách nhiệm liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…) cũng như các nhóm thiện nguyện mua dưa hấu đều xuất phát từ sự chia sẻ tạo nên hiệu ứng cộng đồng góp phần nào tiêu thụ đầu ra cho mặt hàng này giúp nông dân.

Thế nhưng điều khiến dư luận băn khoăn rất nhiều là không biết đến bao giờ con đường tiêu thụ nông sản cho nông dân sẽ trở nên sáng sủa hơn bằng các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Nhớ lại bài học vải thiều thoát cảnh được mùa, rớt giá vào vụ mùa năm ngoái cũng đáng để cho các bộ, ngành, địa phương học hỏi tìm giải pháp phù hợp cho nông dân trồng dưa hấu. Khi đó, vải thiều cũng bị ùn tắc tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc (thị trường chiếm 40% lượng tiêu thụ) dẫn đến giá vải thiều trong nước bán rẻ như cho. Để xoay chuyển cục diện, lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương nơi trồng vải lớn nhất cả nước tổ chức các hội nghị liên kết với các tỉnh cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh để bàn giải pháp tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

Hai tỉnh này còn liên kết với chính quyền các tỉnh biên giới của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi thông quan nông sản vào vụ thu hoạch qua cửa khẩu nhanh chóng. Có những trường hợp thiếu giấy tờ hành chính nhưng nếu là hàng vải thiều thì các cửa khẩu vẫn cho thông quan trước rồi yêu cầu bổ sung sau.

Bên cạnh đó, để khai thác thị trường nội địa vốn tiêu thụ tới 60% sản lượng vải mỗi năm nhưng nhiều năm qua đã bị bỏ quên, hai tỉnh này đã ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ quả vải với các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Sau đó các địa phương này có chính sách thu hút các công ty Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy chế biến vải thiều. Tin vui là phía Nhật cho hay sẵn sàng chuyển giao công nghệ hiện đại về bảo quản quả vải tươi trong một năm mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Ở đây các giải pháp quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản, kết nối DN với nông dân, xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ cho DN đầu tư công nghệ chế biến bảo quản, hay xây dựng thương hiệu cho nông sản đã được vận dụng tối đa. Nếu các bộ, ngành, địa phương cùng làm thật sự, thật lực thì không chỉ nông dân trồng dưa hấu mà nông sản khác sẽ không còn gặp những vụ mùa đắng như thế này.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới